Gen Z “nhảy” việc liên tục: Cần xác định rõ năng lực của bản thân
Hàng nghìn vị trí việc làm với chế độ đãi ngộ tốt chờ đón người lao động Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm, học nghề để chuyển đổi công việc |
Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương với tấm bằng giỏi là “tấm vé” cho Nguyễn Hoàng Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) dễ dàng xin được việc. Tuy nhiên, 3 năm đi làm thì Hoàng Anh “nhảy” tới 4 công ty. Cô gái trẻ cho biết: “Mình thích sự ổn định để có thể thăng tiến nhưng vẫn chưa tìm được công việc như mong muốn. Mình cũng đã suy nghĩ kỹ và thấy “nhảy” việc là cần thiết để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho bản thân”.
Hoàng Anh cho rằng, khi chưa đánh giá được khả năng của bản thì đổi việc liên tục như một cách trải nghiệm để tìm phương hướng.
Bạn trẻ tìm kiếm cơ hội tuyển dụng tại ngày hội việc làm |
Cũng với lý do ưa cái mới, muốn khám phá khả năng và thay đổi bản thân, Nguyễn Tuấn Tài (Hà Đông, Hà Nội) “nhảy” việc liên tục để tìm ra điều thực sự cần. Theo Tài, trước đây không có quá nhiều công cụ để tìm việc nên người lao động đa phần cố gắng an phận với công việc của mình. Ngày nay, thời đại công nghệ phát triển nên việc tìm kiếm công việc không khó, nếu thấy cơ hội nào đó phù hợp, có mức lương mong muốn… thì bạn trẻ sẽ sẵn sàng “nhảy” việc ngay. Vì thế mức độ thay đổi việc của bạn trẻ ngày càng nhiều hơn.
“Nhiều người trẻ như mình đặt sự thoải mái của bản thân lên hàng đầu và sống hết mình với niềm tin đó. Vì vậy, chúng mình không ngại nghỉ việc để tìm cơ hội phù hợp với kỹ năng, kinh nghiệm, đãi ngộ hấp dẫn hơn. Mình coi mỗi lần nhảy việc là một trải nghiệm mới, học hỏi ở những môi trường khác nhau để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân”, Tài nói.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, Tài cũng cho rằng, "cái gì quá cũng không tốt". Nhiều bạn trẻ “nhảy” việc quá nhiều, thậm chí một năm đôi ba lần khiến họ không xác định được khả năng của bản thân. Tâm lý “lười”, “đứng núi này trông núi khác” nảy sinh, thậm chí một số bạn chỉ một chút áp lực trong công việc đã không chịu được. Vì thế, dù ra trường rất nhiều năm, nhiều bạn trẻ vẫn chưa có một công việc ổn định và luôn trong tình trạng đi xin việc.
Mỗi bạn trẻ cần xác định rõ năng lực của bản thân. Ảnh internet |
Tài chia sẻ: “Mình nghĩ “nhảy” việc không phải là xấu nhưng bạn phải nhìn nhận rõ bản thân thực sự muốn gì, khả năng đến đâu. Vì thế, những người trẻ như mình cần được định hướng nghề nghiệp sớm”.
Đinh Ngọc Huyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng “nhảy” việc không xấu nhưng cô không đồng ý một số bạn nghỉ với lý do như: "Lười", "chán công việc", "giờ làm không theo ý muốn"... hoặc nghỉ mà không báo trước để công ty chuẩn bị nhân sự. Đó là sự thiếu trách nhiệm với bản thân và nơi mình làm việc. “Nhảy” việc quá nhiều cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quản lý nhân sự.
“Nhiều bạn chỉ cần cảm thấy không hài lòng với một trong rất nhiều yếu tố công việc, sẵn sàng ra đi mà không cần quan tâm đến vẫn còn nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển trong tương lai. Đây là sự thiệt thòi lớn cho các bạn”.
Theo các chuyên gia, nhiều bạn trẻ gen Z không chỉ chưa hiểu rõ về bản thân (điểm mạnh, điểm yếu, kinh nghiệm, sở thích) mà còn thiếu kiến thức về thị trường lao động (lộ trình phát triển nghề nghiệp, yêu cầu công việc, mức lương trung bình cho các vị trí, văn hóa làm việc tại mỗi doanh nghiệp,…). Đôi khi họ hơi ảo tưởng về một công việc và môi trường hoàn hảo để gắn bó. Vì thế, ngoài được định hướng nghề nghiệp sớm, mỗi bạn trẻ còn phải tự trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng để tìm được công việc phù hợp, gắn bó và có cơ hội thăng tiến.
Anphabe – một đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng, việc làm đã có một cuộc khảo sát với gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc, có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm. Bên cạnh đó, nhiều gen Z còn nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm. Lý do chủ yếu là do các bạn trẻ cảm thấy chông chênh khi bước vào thị trường lao động, đồng thời cảm thấy chế độ lương thưởng không thực sự xứng đáng với công sức bỏ ra. |