Giải pháp cải thiện dinh dưỡng cho trẻ thấp, còi ở Việt Nam
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trong những năm qua nhưng những con số mang tính chất quốc gia lại dường như làm mờ đi sự khác biệt giữa các vùng miền và gánh nặng không thuyên giảm về dinh dưỡng ở các nhóm dân tộc thiểu số và một số vùng miền núi đầy khó khăn.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2018 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8%).
Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1% nhưng vẫn còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.
Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 28,4% và Tây Nguyên là 32,7%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp, còi ở trẻ em Việt Nam hiện vẫn đang ở mức cao |
TS.BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế) cho biết: Hiện cả nước vẫn có 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% được xếp loại là mức độ rất nặng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, bao gồm: Kon Tum, Lai Châu, Gia Lai, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Đắc Nông, và Quảng Bình.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Đay là tỷ lệ bình quân chung trên cả nước, còn tỷ lệ này ở miền núi còn cao hơn rất nhiều.
Cần có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý
Chỉ ra nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ, TS.BS Huỳnh Nam Phương cho biết: Suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ thường là do hậu quả của thiếu hụt lâu dài về dinh dưỡng hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn kéo dài. Điều này cũng dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, kẽm, sắt, canxi...
Hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi thường dẫn đến chậm phát triển tinh thần, học tập kém, tầm vóc thấp bé do đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả kinh tế của cá nhân, gia đình và quốc gia.
Phụ nữ có tầm vóc thấp có nguy cơ cao về các biến chứng sản khoa vì khung chậu nhỏ hơn, có nguy cơ cao hơn về sinh con nhẹ cân, tạo một vòng xoắn luẩn quẩn của suy dinh dưỡng liên thế hệ. Đồng thời sự suy giảm về tăng trưởng lúc nhỏ dễ dẫn đến tăng nguy cơ về thừa cân - béo phì và bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành và tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong.
Do vậy để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, giai đoạn phát triển trong bào thai và 2 năm đầu đời là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi đã ngoài 2 tuổi thì khả năng phục hồi sau này sẽ rất khó.
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tầm vóc của trẻ |
Theo TS.BS Huỳnh Nam Phương, cần đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ là yếu tố chính tác động đến khả năng phát triển chiều cao của trẻ (chiếm tới 32%). Nếu trẻ biếng ăn, phụ huynh cần chia nhỏ bữa và cho ăn nhiều bữa trong ngày.
Đối với trẻ đang bú mẹ, cần hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách, hướng dẫn chế độ ăn uống và nghỉ ngơi của mẹ để đảm bảo chất lượng sữa tốt.
Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cần thay thế bằng sữa bột công thức theo lứa tuổi, trẻ trên 6 tháng có thể dùng các chế phẩm sữa như sữa chua, phomai, váng sữa... rất giàu canxi và các yếu tố vi lượng để phát triển chiều cao tốt.
Nếu trẻ từ 6 tháng trở lên, hướng dẫn ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn đa dạng, có ít nhất 5 nhóm thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc, đảm bảo các thức ăn giàu đạm động vật như thịt trứng tôm cá, tăng năng lượng cho bữa ăn bằng thêm dầu/mỡ, hóa lỏng bữa ăn bằng giá đỗ hoặc men enzyme, tăng cường các loại quả tươi giàu vitamin.
Đặc biệt, cần cho trẻ ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá tôm cua, nấu nhừ để ăn cả vỏ, xương sẽ hấp thu được nhiều canxi. Thường xuyên cho trẻ tắm nắng để trẻ chuyển hóa được đủ vitamin D3. Theo dõi cân nặng và chiều dài của trẻ hàng tháng ở giai đoạn dưới 2 tuổi để kịp thời phát hiện dấu hiệu chậm tăng trưởng của trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi nên cân đo 1 tháng/1lần, trẻ 1 tuổi trở lên cần cân đo 2-3 tháng/lần và nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi.
Đối với giờ giấc sinh hoạt của trẻ, cha mẹ cần cho trẻ đi ngủ sớm trước 10h tối, tốt nhất là 9h tối, nên ngủ đúng giờ hàng ngày, không nên có giờ ngủ thất thường, ngủ đủ giấc; Trẻ sơ sinh cần ngủ 15-18 tiếng/ngày; Trẻ 1- 4 tháng ngủ 14-15 tiếng/ngày, trẻ 4 tháng đến 2 tuổi vẫn cần ngủ khoảng 14 tiếng/ngày. Nếu trẻ ngủ kém sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi như để trẻ tự lẫy, bò, tập đi... giúp cho trẻ tăng chiều cao tối ưu.
Ngoài ra, cần cho trẻ tiêm chủng đủ và đúng lịch tiêm chủng để phòng bệnh tốt. Phòng và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng như nhiễm khuẩn hô hấp, rối loạn tiêu hóa.