Gửi ngắm thông điệp bảo vệ môi trường thông qua kịch nói
Thông điệp ý nghĩa
“Cống phẩm dâng thịt” là sự kiện khởi động nằm trong chiến dịch “Ăn lành hơn” của CHANGE và WildAid diễn ra vào ngày 22/7 tại hội trường D, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP HCM).
Mở màn là buổi công chiếu vở kịch nói “Cống phẩm dâng thịt” do nhóm kịch CKT của trường Đại học KHXH&NV thể hiện. Nội dung vở kịch xoay quanh viễn cảnh về một tương lai trái đất cạn kiệt tài nguyên thiên vì phục vụ quá mức cho việc sản xuất thịt, đang bị thống trị bởi Đại Ma Vương Thịt. Hai nhân vật An và Bình đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chiến thắng Đại Ma Vương Thịt, đem Mẹ Thiên Nhiên về với trái đất.
Thông điệp ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa “Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên” gửi ngắm qua vở kịch |
Kết thúc vở kịch một thông điệp rất hay được ban tổ chức cùng các bạn diễn viên gói gọn lại rằng: “Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên”. Thông qua đó, những thông tin về môi trường được lồng ghép khéo léo vào từng câu thoại của mỗi nhân vật, để mỗi người khi xem sẽ phải tự suy ngẫm về vai trò cùng trách nhiệm của chính mình đối với tài nguyên thiên nhiên, về môi trường và trái đất.
Những tác động xấu của việc tiêu thụ thịt
Tại sự kiện trên, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE đã trình bày những tác động của bữa ăn đến môi trường, cũng như làm rõ hơn thông điệp “Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên”. Qua đó, việc chăn nuôi và sản xuất thịt đang tác động mạnh mẽ và tiêu cực đến môi trường.
Cụ thể, về khí thải, hoạt động chăn nuôi là một trong những tác nhân chính của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên đất và nước khi thải đến 7,1 GT khí CO2 hằng năm. Điều này tương đương với 14,5% tổng lượng khí nhà kính nhân tạo toàn cầu, xấp xỉ tổng lượng khí thải từ các phương tiện giao thông.
Về nguồn nước, số lượng nước tiêu thụ tính riêng chăn nuôi chiếm tới 29% trên tổng lượng nước của toàn ngành nông nghiệp. Trong vòng 9 năm từ 1996 - 2005, chăn nuôi trên toàn cầu đã tiêu thụ hết 2.422 tỉ m3 nước mỗi năm. Để có được 1kg thịt bò, lượng nước phải tiêu tốn trung bình lên đến 15,455 lít cho các nhu cầu từ cơ bản như ăn uống, vệ sinh, làm mát, đến các nhu cầu gián tiếp như tưới tiêu, phân bón, thuốc trừ sâu nhằm sản xuất thức ăn. Tương tự, lượng nước tiêu thụ cho thịt heo là 5,988 lít/kg và gia cầm là 4,325 lít/kg.
Còn về rừng, tổng diện tích đất sử dụng cho việc chăn thả gia súc tương đương với khoảng 26% tổng bề mặt diện tích đất toàn thế giới. Nông nghiệp chăn nuôi chiếm 80% nguyên nhân phá rừng trên toàn thế giới.
Xét riêng tại Việt Nam, mức độ tiêu thụ thịt cũng đang có xu hướng tăng mạnh, gần gấp 3 lần trong 2 thập kỷ vừa qua, từ 18,8kg/người năm 2000 đến 52,6kg/người năm 2018.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE đang trình bày về những tác động của bữa ăn đến môi trường |
Do vậy, CHANGE mong muốn rằng sự kiện “Cống phẩm dâng thịt” có thể tác động, khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen ăn uống, chủ động lựa chọn “ăn lành hơn”, nhiều rau xanh và giảm lượng thịt quá mức cần thiết trong chế độ ăn uống để vừa tốt cho sức khoẻ và góp phần bảo vệ những nguồn tài nguyên vô giá.Những số liệu trên như hồi chuông cảnh tỉnh về những tác động tưởng chừng như không liên quan đến việc ăn thịt hằng ngày của mỗi chúng ta nhưng lại chính là nguyên nhân đang tàn phá và ăn mòn môi trường sống xung quanh.
Vở kịch ngắn “Cống phẩm dâng thịt” sẽ công diễn miễn phí tại hội trường D, trường Đại học KHXH&NV TP HCM, vào các ngày tiếp theo như sau: - Thứ 6 (ngày 24/7) lúc 19h30 - 20h15. - Thứ 7 (ngày 25/7) lúc 15h30 - 16h15 và 19h30 - 20h15. - Thứ 6 (ngày 31/7) lúc 19h30 - 20h15. - Thứ 7 (ngày 01/8) lúc 15h30 - 16h15 và 19h30 - 20h15. |