Hà Nội mẫu mực triển khai Đề án 06 của Chính phủ
Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm đón khách dịp nghỉ lễ Hậu phương Hà Nội: Từ truyền thống trở thành thương hiệu |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đình Tiến Dũng chủ trì hội nghị |
Cùng chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Dự buổi làm việc về phía Bộ Công an có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc...
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung; Các Phó Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành.
Bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ sát sao, thường xuyên của Bộ Công an, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô luôn được giữ vững. Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thành ủy, UBND thành phố đã chủ động ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trên địa bàn.
Thành phố chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các sở, ban, ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn 775 lượt kỳ cuộc, sự kiện quan trọng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Quang cảnh hội nghị |
Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ; Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn; Xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cơ sở kinh doanh karaoke...
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ cho lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua (đã cập nhật điều chỉnh tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 12-2022). Trong đó, ngân sách thành phố đã dự kiến cân đối 6.149,47 tỷ đồng (chiếm 5,3% kế hoạch vốn dự án xây dựng cơ bản tập trung ngân sách thành phố) để hỗ trợ đầu tư 42 dự án xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và 1 đề án xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị đối với Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và TP Hà Nội
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, qua 2 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an trung ương và Thành ủy Hà Nội, kết quả bước đầu đã đáp ứng yêu cầu đề ra.
Nhấn mạnh một số thành tựu, điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, trong đó có Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị |
Nêu kiến nghị với Bộ Công an, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, với định hướng phát triển thành phố Hà Nội “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, sẽ có rất nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết, cần Bộ Công an trực tiếp tham gia, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp, vào cuộc với các cấp ủy, chính quyền của thành phố thực hiện, như: Công tác cải tạo chung cư cũ; Các dự án trọng điểm chậm triển khai trên địa bàn; thực hiện đề án quản lý tài sản công; phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính…
Bí thư Thành ủy khẳng định, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ổn định về tư tưởng cho cán bộ các cấp quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong muốn Hà Nội sớm có quy hoạch tổng thể chung để phát triển Thủ đô, với giải pháp cụ thể nhằm giải bài toàn dân số tập trung ở nội đô, mở ra không gian phát triển mới. Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh việc Hà Nội cần duy trì trật tự đô thị; lưu ý về tầm quan trọng của quy hoạch để giảm mật độ dân số cũng như tăng các tiện ích giao thông, dịch vụ... phục vụ người dân, du khách.
Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng Hà Nội sẽ triển khai mẫu mực Đề án 06 của Chính phủ; đề nghị Công an thành phố nỗ lực từ nay đến ngày 30/7/2023, cấp được hết căn cước công dân gắn chíp cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
"Từ đó, để người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chíp thực hiện các giao dịch, bỏ được những giấy tờ khác", Bộ trưởng nói và cho biết đã trao đổi với các bộ, ngành về việc một số thủ tục có thể loại bỏ để mang lại thêm nhiều tiện ích phục vụ Nhân dân từ Đề án 06…
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công an, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch và quan điểm quản lý đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ dành nguồn lực phối hợp các bộ, ngành thay đổi phương thức quản trị hành chính, từ đó tác động, thay đổi phương thức quản trị xã hội trên địa bàn Thủ đô.