Hà Nội mùa ẩm thực
Đậm đà hương vị cổ truyền của ẩm thực ngày mưa Hà Nội |
Này nhé, nếu vào ngày hè nóng nực lên đến 40 độ C, bảo bạn ăn một chiếc bánh giò, có lẽ bạn sẽ vô cùng ngần ngại. Nào thì nóng, nào thì mỡ, nào thì ngấy. Sáng sớm, buổi trưa, buổi chiều ngồi ngoài quán ăn đều bất tiện vì nóng quá, ăn xong khác gì cuộc “tổng động viên” mồ hôi thi nhau chảy. Trong khi đó mua về nhà thì kếch rếch mỡ màng.
Thế mà mùa này, vào bất cứ lúc nào trong ngày bạn đều có thể ăn bánh giò. Trời lành lạnh, sáng ra, mà nhất là buổi chiều, khi sương bắt đầu buông xuống, đĩa bánh giò nóng hổi bốc khói cắt thêm những lát giò chả, chút dưa chuột làm gia vị, bạn lại còn muốn nhiều tương ớt để vừa ăn vừa xuýt xoa. Vị ngấy vị béo đâu biến mất, chỉ còn vị ngọt vì mềm trên môi, lại còn cay cay tê tê, rất đáng để thưởng thức.
Này nhé, nếu mấy tháng trước, bảo bạn ngồi hàng ăn chiếc bánh rán nhân mặn hay nhân ngọt bạn cũng ngại. Mùa này ấy à, không chỉ bánh khoai, bánh chuối đắt hàng mà bánh rán cũng hút khách. Nhiều người thích đến ăn ở 52 Lý Quốc Sư vì quán đã lâu năm, ăn xong lại được tản bộ ra ngắm Nhà thờ Lớn, còn gì tuyệt bằng.
Không giống những chiếc bánh bọc đường, mật phồng lên nhiều mỡ, bánh rán ở đây chiên trên chảo, vớt ngay ra nên không đọng dầu, nhân ngọt thì là đỗ xanh, dừa, nhân mặn thì là thịt và mộc nhĩ, miến. Chiếc bánh cắt ra chấm vào bát nước chấm có đu đủ, cà rốt, dưa chuột chua chua ngọt ngọt cay cay, đừng nói đến cảm giác ngấy hay ngán ở đây.
Mặc dù trời chưa vào cuối năm nhưng bánh chưng rán cũng bắt đầu trở lại trong thực đơn của người mê ẩm thực. Không còn phải đợi đến Tết mới được ăn bánh chưng, đời sống khấm khá, người ta có thể ăn những món mình thích quanh năm. Dù vậy, bánh chưng không được ưu tiên vào mùa hè. Cũng như tất cả những món ở trên, ai cũng ngại mỡ màng, ngấy, béo.
Cũng phải thôi, trong thời buổi nhiều bệnh tật như hiện nay, mọi người có quyền không chỉ ăn ngon mà còn ăn sạch, ăn khỏe nữa. Thế mà, có vẻ như đến khi rét mướt, cần năng lượng để chống chọi mùa đông hơn, ít người kén chọn hơn. Bánh chưng rán bắt đầu “xèo xèo” trên các bếp.
Không phải được rán trên chảo, bánh chưng ở Hà Nội giòn rụm từ những chiếc mâm. Chỉ có mâm mới rán đủ mẻ cho những thực khách đợi chờ đến lượt. Cũng có vẻ như chỉ có mâm mới làm cho bánh giòn tan đều cả hai mặt như thế. Chiếc bánh to như bàn tay, cắt ra bốc khói, lại thêm dưa góp và đặc biệt là tương ớt hay xì dầu tùy ý, cách ăn bánh chưng này cũng rất khác với bánh chưng Tết.
Nếu vào những ngày gió mùa đông bắc mới về, những mâm bánh chưng lại càng đắt khách. Cái rét, cái mưa khiến người ta muốn xốc tinh thần lên, ăn một món gì đó ấm bụng. Dù phải che ô, đội nón đi mua một hộp bánh chưng rán về hẳn nhiều cô, nhiều chị, nhiều anh cũng cảm thấy vui lòng.
Cũng “liệt” vào hàng thực phẩm không mấy “thân thiện” với mùa hè nhưng cứ đông đến là tưng bừng nhộn nhịp, ấy là quẩy đùi gà. Nếu ai đi qua đường Nguyễn Tuân vào bất cứ lúc nào trong ngày cũng thấy có một hàng quẩy đùi gà đông nghìn nghịt khách. Người mua đứng vòng trong vòng ngoài chờ được cầm những chiếc quẩy nóng hổi trên tay mang về cho người thân ăn liền để biết độ ngon của quẩy vừa ra lò khác hẳn với những chiếc quẩy cứng ngắc bán ngoài hàng phở.
Không xếp hàng được thì đội quân hàng rong cũng đã mang từng thúng quẩy đi bán khắp phố cho người thèm ăn. Quẩy này ỉu hơn, xốp hơn nhưng bù lại ăn cũng có sự thú vị riêng. Nhất là những người hảo ngọt, cánh trẻ con, chiếc quẩy lấm tấm những hạt đường thường sẽ được “đánh bay” trong vòng một nốt nhạc.
Mùa đông cũng là mùa của cháo sườn sụn, cháo trai. Nếu như mùa hè người ta chuộng cháo đậu xanh, đậu đen ăn với cà hoặc với đậu phụ cho mát ruột thì mùa đông bát cháo trai, cháo sườn sụn quả là rất lí tưởng. Vẫn nhẹ bụng mà lại ấm lòng.
Cháo được quấy từ bột xay nên sánh mịn, quyện với nước ninh sườn sụn nhừ ra, ngọt ngon vô kể. Miếng cháo “bỏ vào môi trôi tận ruột” thi thoảng có miếng sườn sụn nhai lốc cốc rất thú vị. Còn nếu là cháo trai, ăn nóng kèm rau dăm khiến cái bụng chỉ biết no không biết chán.
Chính vì thế mà mùa này không chỉ trẻ con, người già mà các chị, các anh văn phòng cũng tích cực ăn cháo. Lót dạ cũng được mà ăn no cũng được. Những chiếc quẩy cứng ăn riêng thì giòn khô khốc rất vô duyên mà cho vào bát cháo sao lại hợp vị đến vậy.
Cháo và quẩy, quẩy và cháo cứ quyện vào nhau làm nên trải nghiệm cực ăn ý cho chiếc lưỡi sành ăn của người Hà Nội ăn rồi lại muốn ăn mãi. Vì thế, những hàng cháo trai, cháo sườn sụn ngon được người ta mách nhau, truyền tai nhau đến thưởng thức như quán ở ngõ Huyện, quán Huyền Anh, quán 37 ngõ Lương Sử C.
Không thể đón mùa đông Hà Nội mà không nhớ đến món bánh trôi tàu. Có rất nhiều quán bánh ngon và nghệ sĩ Phạm Bằng còn nổi tiếng với quán bánh trôi tàu của mình. Còn rải rác khắp phố phường, nhiều hàng bánh trôi tàu đáp ứng nhu cầu của khách “đỏ lửa” suốt từ trưa cho đến đêm.
Bánh trôi tàu khá ngọt nhưng lại nóng, có vị cay ấm của gừng, vị bùi béo của lạc, của nước cốt dừa quyện vào khiến cho cái lạnh mùa đông trở nên cũng ngọt ngào theo. Dân văn phòng trong quận Hoàn Kiếm thì quá quen thuộc với những hàng chè, bánh trôi tàu nóng ở ngõ Tràng Tiền.
Con ngõ nhỏ khi xưa rộn ràng với nhiều món ăn, nhiều quán nổi tiếng như Ốc Bông Hậu, món bún đậu đủ vị bây giờ dập dìu người đến xì xụp vừa ăn vừa tấm tắc. Mùi thơm của vừng lạc, mùi ngòn ngọt của đường, của đỗ, của nước cốt dừa khiến cho người đi từ đầu Tràng Tiền, Nguyễn Khắc Cần cũng đã ngửi thấy. Ai mà lỡ bước chân qua chắc cũng chẳng đành lòng mà đi về không.
Những món ăn mùa đông của Hà Nội rất phù hợp với thời tiết. Vì mùa lạnh mọi người đều cần thêm năng lượng nên có thể ngọt hơn, béo hơn nhưng thường sẽ kèm theo các loại gia vị, dưa góp để giảm bớt sự ngấy, ngán. Đó cũng chính là nét tinh tế của người xưa khi sáng tạo hay du nhập những món ăn biến nó thành tinh túy ẩm thực của Hà thành.
Điều đặc biệt nữa, ăn đâu chỉ là no. Ăn còn là để nhớ. Nhớ mùa đông Hà Nội. Nhớ những góc phố thân quen. Nhớ cái lạnh mà thường khi ấy người ta thấy muốn gần hơn, muốn yêu hơn những người mình đã trót nhớ trót thương thầm.
Thân thương, nhớ mãi những món ăn "bất chấp'' cái nóng hè Hà Nội |
Ngành ẩm thực châu Á tìm cách thích nghi giữa đại dịch Covid-19 |
Nhà văn Di Li cho ra mắt bộ đôi sách tùy bút ẩm thực |