Hà Nội: Nâng cao chất lượng việc bình xét danh hiệu văn hóa
Hà Nội duy trì tỷ lệ hộ Gia đình văn hóa đạt 88% Quận Ba Đình tôn vinh 23 gia đình “Văn hóa tiêu biểu” năm 2024 Quận Ba Đình lấy ý kiến về tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa mới |
Tránh hình thức
Ngày 7/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thay thế Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, thành phố rà soát, xây dựng tiêu chí chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, từ năm 2018, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP.
Ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình |
Thực tiễn cho thấy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng rất tích cực, nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước.
Từ năm 2018 tới nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của TP Hà Nội đạt từ 85-88%, phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đã mang lại sức sống mới, thể hiện rõ nét nhất là các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị...
Tuy vậy, theo ông Bùi Minh Hoàng, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa vẫn còn bộc lộ những bất cập, khó khăn. Việc công nhận các các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Hiện vẫn còn tình trạng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, có khuynh hướng nặng theo chỉ tiêu hoặc tỷ lệ đạt rất cao nhưng thực tế có nhiều tiêu chí chưa đạt.
Đại diện Phòng VH-TT Phúc Thọ nêu ý kiến |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên đó là: Tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương, dẫn đến việc đánh giá, bình xét chưa sát thực tế.
“Việc lấy ý kiến từ cơ sở là yếu tố then chốt để đảm bảo các tiêu chuẩn văn hóa mới thực sự sát với đời sống của người dân, đồng thời phản ánh đúng thực tế tại các phường, xã, cơ sở địa phương. Sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân tại địa phương sẽ quyết định sự thành công của việc triển khai các tiêu chuẩn này” – ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.
Cần quan tâm đến những tiêu chí mới
Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ cho rằng, việc xét các danh hiệu danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” nên bỏ thủ tục hành chính, việc xét khen thưởng dựa trên cơ sở hồ sơ đề nghị của cấp xã gửi cơ quan thường trực. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan thường trực tham mưu đề nghị UBND huyện ra quyết định công nhận danh hiệu.
Còn ông Trần Văn Minh, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ nêu ý kiến về việc quy định thang điểm đủ điều kiện tặng các danh hiệu.
“Theo Nghị định 86/2023 ngày 7/12/2023 cũng như trong dự thảo của Sở về tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu văn hóa, tôi chưa thấy có thang điểm chuẩn bao nhiêu khi tổng điểm, điểm trừ, còn bao nhiêu điểm thì đủ điều kiện xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa tiêu biểu” - ông Minh băn khoăn.
Bà Hà Lam Hương (Trưởng ban Công tác Mặt trận – Tổ 9 – phường Giảng Võ) |
Bà Hà Lam Hương (Trưởng ban Công tác Mặt trận – Tổ 9 – phường Giảng Võ) quan tâm đến các tiêu chí mới, ví như các vấn đề dân sinh như quy định về phân loại rác, thu gom rác thực sự chưa được phổ biến rộng rãi trong toàn dân mà chỉ đang ở các cụm, nhóm bạn trẻ có ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều cuộc vận động, tuyên truyền đã diễn ra nhưng chưa phát huy hiệu quả tại các cụm dân cư.
"Tôi cho rằng, việc bình xét tiêu chí nên có sự xem xét về các bước cụ thể; tiến hành triển khai các cuộc vận động, tuyên truyền gần gũi và thực tế hơn với người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Người dân chưa quen sử dụng túi phân loại, chúng ta có thể tặng các loại túi cho người dân bước đầu để họ làm quen, lâu dần trở thành nếp sống bền vững; từ đó, cơ sở bình xét văn hóa cho các gia đình và địa phương sẽ được xây dựng vững chắc hơn" - bà nói.