Hải Dương: Chủ đầu tư "vô tư" sử dụng gạch đất sét nung vào dự án đầu tư công?
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật các tập thể, cá nhân tỉnh Hải Dương Bắt tạm giam cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng Hải Dương: Người dân bức xúc vì sử dụng nước sạch nghi “nhiễm bẩn” |
Mới đây, bạn đọc đã phản ánh đến báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc chủ đầu tư lập hồ sơ mời thầu và thực hiện xây dựng công trình trụ sở: Nhà làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cẩm Giàng và trường Mầm non trung tâm thị trấn Lai Cách đã sử dụng gần 100% vật liệu xây dựng là gạch đất sét nung (gạch đỏ), có dấu hiệu vi phạm quy định về việc sử dụng vật liệu xây dựng trong các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (theo quy định, 2 công trình này phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung).
Dự án Nhà làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cẩm Giàng có chủ đầu tư là UBND huyện Cẩm Giàng (đại diện chủ đầu tư: Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Cẩm Giàng); Dự án trường Mầm non trung tâm thị trấn Lai Cách có chủ đầu tư là UBND thị trấn Lai Cách.
Qua ghi nhận thực tế của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, quan sát bằng mắt thường có thể thấy, vật liệu dùng để xây dựng tại đây là gạch đất sét nung. Tiếp tục mở hồ sơ mời thầu, phóng viên cũng tìm thấy các đầu việc liên quan đến vật liệu xây dựng chỉ là gạch đất sét nung.
Chủ đầu tư "vô tư" sử dụng gạch đất sét nung vào dự án đầu tư công? |
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng. Ông Quyết cho biết, công trình Nhà làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cẩm Giàng do UBND huyện làm chủ đầu tư. Về chuyên môn thì Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Cẩm Giàng thực hiện.
Theo đó, ông Quyết giao việc cho ông Đào Văn Đạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cẩm Giàng có trách nhiệm làm rõ và trao đổi nội dung việc này với phóng viên.
Ngày 30/8, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Đào Văn Đạt. Ông Đạt cho biết, hồ sơ mời thầu của công trình Nhà làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện đúng là sử dụng toàn bộ gạch đất sét nung.
Toàn bộ công trình sử dụng gạch đất sét nung |
"Trước đây, tôi là Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng. Tháng 4 vừa rồi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thành lập và tôi được điều động vào vị trí Giám đốc. Từ đó, Ban cũng bắt đầu nhận bàn giao các dự án từ Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện. Hai ban giống tên nhau chỉ khác mỗi từ "các".
Nhận được thông tin từ đồng chí Chủ tịch UBND huyện, tôi đã xuống phòng Kinh tế hạ tầng để trao đổi với đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và một đồng chí khác. Qua đó, các đồng chí thừa nhận có sai sót trong quá trình thẩm định bản vẽ thiết kế".
Liên quan đến dự án trường Mầm non trung tâm thị trấn Lai Cách, ngày 13/9, phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Lai Cách về việc sử dụng gạch nung tại dự án xây dựng trường Mầm non trung tâm thị trấn Lai Cách.
Chủ đầu tư "vô tư" sử dụng gạch đất sét nung vào dự án đầu tư công tại tỉnh Hải Dương? |
Ông Minh cho biết: "Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã có điều chỉnh cho phù hợp. Qua đó, chúng tôi đã quyết định sử dụng vật liệu trên tầng 3, tường rào và các công trình phụ trợ sẽ thay đổi là dùng gạch không nung. Chúng tôi đã mời đơn vị tư vấn làm lại hồ sơ và cũng chính là đơn vị ban đầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu của dự án này".
Trước sự việc này, dư luận địa phương đặt ra nhiều dấu hỏi về việc tuân thủ các quy định của Nhà nước trong hoạt động xây dựng và quản lý, giám sát thi công xây dựng của UBND huyện Cẩm Giàng và UBND thị trấn Lai Cách và các đơn vị liên quan.
Theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 của Bộ Xây dựng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2018 về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây như sau: a) Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: sử dụng 100%; b) Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam Bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; c) Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. 2. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. 3. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. 4. Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng. |