Hàn Quốc: Giới trẻ hồi sinh những vùng nông thôn vắng vẻ
Khi những người trẻ về quê…
Vào một sáng mùa xuân đầy nắng, trong quán cà phê mang phong cách cổ điển, nhiều du khách có thể cảm nhận đang hòa mình vào bầu không khí của đồng quê. Một số người chăm chú xem các bức tranh treo tường cho thấy lịch sử của quán cà phê đã biến đổi như thế nào từ lúc nó còn là nhà máy nấu rượu sake của Hàn Quốc.
“Lần đầu tiên tôi biết về địa điểm này là từ các phương tiện truyền thông. Sau khi nghe nói rằng nó được cải tạo từ một nhà máy rượu cũ, tôi cảm thấy muốn đến thăm”, bà Jang Mu Kyung, 49 tuổi, đến từ Wonju, một thành phố cách đó 120km, cho biết.
“Khung cảnh mộc mạc xung quanh quán cà phê cũng rất đẹp. Tôi có thể sẽ đến đây một lần nữa cùng bạn bè”, Jang cười và nói thêm rằng có lẽ bà sẽ bỏ qua Mungyeong nếu không có quán cà phê đặc biệt này.
Quán cà phê được chuyển đổi từ nhà máy nấu rượu sake của Hàn Quốc ở Mungyeong (Ảnh: Kyodo) |
Đằng sau thành công đó là RE: PLACE - một công ty khởi nghiệp được thành lập bởi 5 thanh niên trẻ tuổi do Do Won Woo, 28 tuổi, làm trưởng nhóm.
Cùng với 12 nhân viên, Won Woo hoạt động như một “nhà sáng tạo địa phương”. Công việc chính của anh là hồi sinh các thành phố nhỏ đang có nguy cơ biến mất do dân số giảm, giống như Mungyeong, nằm cách Seoul khoảng 150km về phía Nam ở tỉnh Bắc Gyeongsang.
“Lúc đầu, tôi không nghĩ đến việc hồi sinh những thành phố nhỏ hay bất cứ thứ gì. Tôi chỉ đang tìm kiếm thứ gì đó mà bản thân có thể thực hiện và mang lại những thay đổi thực tế, thay vì kiếm sống như một nhân viên văn phòng thông thường”, Do Won Woo nhớ lại thời gian anh quyết định bỏ công việc đang rất phát triển tại một công ty bảo hiểm.
Với suy nghĩ đó, anh bắt đầu thuyết phục những người bạn thân và vợ về việc chuyển đến sống ở nông thôn. “Tôi tập trung vào thực tế là có quá nhiều người già và rất ít người trẻ ở những khu vực như vậy. Do đó, nếu chúng tôi trực tiếp sinh sống và làm việc ở đó sẽ giúp ích cho việc hồi sinh những thành phố như vậy”, Won Woo chia sẻ.
Anh và nhóm của mình đã đăng ký một chương trình mà theo đó chính quyền địa phương sẽ trợ cấp cho những người trẻ sẵn sàng chuyển đến sống ở thành phố ít dân cư và bắt đầu sự nghiệp của họ tại đây.
Kết quả, họ đã nhận được tổng cộng 150 triệu won (khoảng 132 nghìn USD) từ chính quyền địa phương. Sau đó, họ chọn chuyển đến Mungyeong vì người dân và các quan chức thành phố rất thân thiện và sẵn sàng giúp hòa nhập.
Ngoài quán cà phê, nhóm của Do Won Woo còn kinh doanh một nhà nghỉ kết hợp quán cà phê phục vụ ban ngày. Nó được cải tạo từ hanok - một ngôi nhà kiểu truyền thống của Hàn Quốc cũ và bị bỏ hoang.
… truyền cảm hứng
Nhóm của Do Won Woo được biết đến như những “ nhà sáng tạo địa phương” (Ảnh: AP) |
Do Won Woo cố gắng sử dụng các nguyên liệu sản xuất tại địa phương càng nhiều càng tốt. Đó là một trong những lý do chính khiến anh nghĩ rằng họ có thể thành công rực rỡ. “Mungyeong là một thành phố ở vùng nông thôn, có rất nhiều loại trái cây theo mùa khác nhau như dâu tây, mơ, hồng vào mùa thu và dưa hấu vào mùa hè. Chúng tôi chỉ sử dụng những loại nông sản ngay tại địa phương”, Won Woo nói và giải thích đây là cách mà các quán cà phê của anh và nông dân địa phương hình thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Sau khi ý tưởng này được biết đến rộng rãi, không chỉ du khách từ bên ngoài thị trấn, mà ngày càng nhiều người dân địa phương tìm đến. Hwang Ji Sun, một cư dân ở Mungyeong, 55 tuổi, nói rằng, đây là lần đầu tiên bà đến quán cà phê. Bà Hwang chia sẻ: “Tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt để cho nhiều người biết về các nguyên liệu độc đáo của Mungyeong”.
Vào những năm 1970, hơn 200.000 người sống ở Mungyeong vì đây là một trong những mỏ than lớn nhất ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ những năm 1990, khi mỏ than cuối cùng bị đóng cửa, dân số liên tục giảm xuống còn khoảng 70.000 người như hiện nay. Thậm chí, một số người còn dự đoán thành phố này có thể biến mất trong một vài thập kỷ tới.
Ở Hàn Quốc, nhiều thành phố nhỏ có chung những vấn đề như ở Mungyeong với dân số ngày càng giảm và già hóa, do hơn một nửa dân số cả nước tập trung ở Seoul và các khu vực lân cận. Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Hàn Quốc, chính quyền trung ương đã nỗ lực để khuyến khích thanh niên chuyển đến các vùng nông thôn. Trong một năm qua, hơn 460.000 người đã chuyển tới sinh sống tại các vùng nông thôn ở Hàn Quốc.
Chính quyền thành phố Mungyeong cho biết, điều này rất đáng khích lệ khi lượng khách du lịch tăng lên nhờ nỗ lực của những người trẻ tuổi như các thành viên của RE: PLACE.
Won Woo muốn đặt mục tiêu không những thu hút khách du lịch mà còn truyền cảm hứng giúp người lao động trẻ từ các thành phố lớn trở thành “những người sáng tạo địa phương” ở vùng nông thôn rải rác trên khắp đất nước.