Hệ thống một cửa điện tử và dịch công trực tuyến được triển khai đến 100% cơ quan hành chính tỉnh Đồng Tháp
Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh tham gia hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp |
Theo đánh giá được công bố vào ngày 10/7/2020 của Liên Hợp Quốc trong Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8/2017 - 7/2019, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ: Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông lần lượt đạt nhất, nhì, ba trong xếp hạng CPĐT của bộ, cơ quan ngang bộ. Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh đạt nhất, nhì, ba trong xếp hạng 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại hội nghị, một số địa phương, bộ, ngành đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về CPĐT, Chính quyền điện tử, Chính phủ số…
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chia sẻ kết quả triển khai thực hiện Chính quyền điện tử của tỉnh. Cụ thể, đến nay Đồng Tháp đã hoàn thành kiến trúc chính quyền điện tử, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã hoàn thành kết nối, tích hợp với một số cơ sở dữ liệu quốc gia. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được triển khai, đảm bảo 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp…tác nghiệp, xử lý văn bản qua môi trường mạng. Hệ thống một cửa điện tử và dịch công trực tuyến được triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh…
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết số 17/NQ-CP, các bộ, ngành đã nỗ lực xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quan trọng làm cơ sở xây dựng CPĐT. Đến tháng 7/2020, đã kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (Mạng TSLCD) đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 96% quận, huyện, thị xã. 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 55 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), đạt tỷ lệ 82,61%.
Tính từ ngày 1/1/2019 - 31/7/2020, đã có tổng cộng khoảng 4,4 triệu giao dịch chính thức thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), trung bình 1 ngày có khoảng hơn 7,6 nghìn giao dịch. Ước tính chi phí, thời gian tiết kiệm được cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện 1 thủ tục hành chính thông qua NGSP là 30.500 đồng. Hàng năm chỉ riêng dịch vụ liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi thông qua NGSP có thể giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng 48,8 tỷ đồng.
Bộ Công an đã lựa chọn doanh nghiệp thực hiện xây dựng thiết kế chi tiết và dự toán, cung cấp hàng hóa dịch vụ và triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư. Về thu thập dữ liệu ban đầu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, hiện đã hoàn thành công tác thu thập số liệu qua phiếu, đang triển khai công tác số hóa và nhập dữ liệu. Đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần cứng và phần mềm để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư vào hoạt động thử nghiệm cung cấp dịch vụ dữ liệu, kết nối chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan nhà nước để khai thác…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành quả đạt được trong xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh…
Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế, Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đầu hoàn thành trong quý III/2020. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4…
“Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |