Hợp tác, chuyển đổi vì một thị trường lao động bền vững
Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm Thủ tướng đề nghị xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững Để tất cả công nhân đều có Tết |
Nhiều “điểm sáng”
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh: “Lao động là yếu tố cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Bên cạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước”.
Từ thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, sau khi chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm khôi phục thị trường lao động và đã từng bước được phục hồi, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, đến thời điểm này tất cả các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2022 của Bộ được triển khai tương đối toàn diện. Những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành đã được Bộ trưởng, tập thể Bộ tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều mục tiêu đạt được bằng sự nỗ lực từ tinh thần và ý chí, không chỉ do có nguồn lực đầu tư.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm |
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này thị trường lao động đã ổn định, cơ bản lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; Tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát. Các khu vực phát triển công nghiệp, thu hút vốn FDI trọng điểm như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cơ bản phát triển ổn định, chỉ có một vài nơi thiếu lao động cục bộ.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình, thị trường lao động Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đã những chuyển biến tích cực. Thống kê của Cục Việc làm cho thấy, quý I/2022 có 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động bởi đại dịch, đến quý II, con số này giảm còn 8 triệu người và tới quý III chỉ còn 4,4 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực (ít hơn 23,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước).
Tỷ lệ lao động bị mất việc làm đã giảm mạnh so với những quý trước, trong quý III, số lao động bị mất việc làm chỉ còn 0,3 triệu người (chiếm 6,4%), 1,3 triệu người tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm, 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) ký kết bàn giao cổng dịch vụ việc làm với đại diện Hàn Quốc |
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các yếu tố của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được tạo lập đồng bộ; Khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; Các chỉ tiêu thị trường lao động như chất lượng cung lao động, cơ cấu cầu lao động, thu nhập, tiền lương được, năng suất lao động, tính cạnh tranh của lao động đều được cải thiện và tăng lên.
Thích nghi với quá trình chuyển đổi số
Thực tế, chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lao động, việc làm, đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội; Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số; Chính phủ phải có những quyết sách linh hoạt, kịp thời và số hóa hình thức quản lý.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kỹ năng số là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi. Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số. WB cho rằng số lượng việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại, và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.
Với Việt Nam, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất hiện nay đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, trong những năm qua, ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.
Có 3 nhóm giải pháp trọng tâm: Áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; Ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới. Kết quả đạt được từ các giải pháp trên đã giúp tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên liên tục tăng qua các năm (tỷ lệ qua các năm 2019 đến 2022 lần lượt là 22,37%; 24,6%; 26,1% và 26,2%).
Hàng nghìn sinh viên tìm được việc làm và cơ hội phỏng vấn từ chương trình “Ngày hội tuyển dụng, việc làm năm 2022” |
Quá trình số hóa nhanh chóng quy trình tuyển dụng, hướng đến tuyển dụng trực tuyến, đánh giá trực tuyến, thậm chí là quy trình tiếp nhận và đào tạo nhân viên mới cũng diễn ra trực tuyến đang ngày càng phổ biến.
Cùng với những xu hướng này, Việt Nam cũng đã nhanh chóng chuyển sang hình thức làm việc từ xa và hình thức làm việc linh hoạt (kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và từ xa). Xu hướng việc làm này nhiều khả năng sẽ là một phần tất yếu của giai đoạn bình thường mới và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh từng nêu ra 6 giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh giải pháp về đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục đào tạo mà trọng tâm đó là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhìn nhận, Việt Nam cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực; Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo bổ sung.
Cụ thể hóa vấn đề này, trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã tham gia nhiều chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam như: Đối thoại lao động Việt Nam - Hoa Kỳ; Tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế ILO; Tăng cường hợp tác Việt Nam - Lào về lao động, phúc lợi xã hội và nguồn nhân lực; Hoạt động phân tích “Phát triển kỹ năng Việt Nam hướng tới quốc gia có thu nhập cao…
Lãnh đạo Cục Việc làm cũng cho rằng, về lâu dài, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; Xây dựng bản đồ công nghiệp của Việt Nam để xác định các chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng phục vụ khai thác, phân bổ, sử dụng lao động trên toàn quốc; Thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực.
Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm |
Túi quà hạnh phúc làm nên Tết của người lao động |
Lan tỏa giá trị nhân văn, tạo ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô |