Không "cào bằng" mức chi cho thiết chế văn hoá nông thôn
Sáng 12/3, Uỷ ban Mặtt rận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá thể thao cơ sở phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.
Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị |
Tăng cường trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hoá cấp xã, thôn
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, cơ quan soạn thảo Nghị quyết: Hiện nay, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách các cấp, chưa có sự thống nhất đồng bộ trên địa bàn TP.
Việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND TP “Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023-2025” cụ thể hóa quy định của Trung ương theo Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính là cần thiết và là quy định bắt buộc các cấp ngân sách phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
Cụ thể: Nghị quyết quy định, chi hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã 200 triệu đồng/thiết chế; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn 75 triệu đồng/thiết chế;
Chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã: 75 triệu đồng/tủ sách; Tủ sách thôn: 50 triệu đồng/tủ sách; chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã: 50 triệu đồng/1 năm; Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn: 30 triệu đồng/1 năm. Tổng kinh phí dự kiến năm 2024: 382.910 triệu đồng.
Ngoài ra, chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã, thôn, hàng năm là 73.260 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Văn hóa, thể thao xã: 66 thiết chế x 50 triệu đồng/năm = 3.300 triệu đồng. Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn: 2.332 thiết chế x 30 triệu đồng/năm = 69.960 triệu đồng.
Nhà thơ Trần Đang Khoa góp ý tại hội nghị |
Đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá
Tại hội nghị, các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết và mong muốn Nghi quyết sớm được thông qua và ban hành.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội: Việc ban hành Nghị quyết là vô cùng cần thiết, bởi Hà Nội là Thủ đô rộng nhưng 95% diện tích là vùng nông thôn với 55% dân số.
Tại thời điểm này, Hà Nội có sự dịch chuyển chút ít vì đã có huyện được quyết định lên quận. Tuy nhiên, ngay cả khi lên quận thì vẫn còn thôn, xã. Vì vậy, rất cần thiết phải xây dựng nền văn hóa Thủ đô mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, muốn có bản sắc riêng thì ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế thì không thể thiếu hạ tầng để phát triển văn hóa tức các thiết chế văn hóa. Những thiết chế văn hóa này đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với Nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội, của Thủ đô. Vì vậy, việc hỗ trợ để “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng N
Nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025” tại Hà Nội là vô cùng cấp bách, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô và đồng bằng sông Hồng để đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến -Văn minh - Hiện đại. Đồng thời nâng giá trị về mặt tinh thần của người dân; chống lại những hệ luỵ xấu trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên theo bà An, nên có đánh giá về thực trạng sử dụng các thiết chế văn hoá tại các thôn xã, nơi nào có hiệu quả, nơi nào thiếu hạng mục gì, cần hỗ trợ bao nhiêu để đảm bảo đúng mục tiêu là “hỗ trợ mức chi để nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá”.
Tại các huyện ngoại thành của Hà Nội, điều kiện kinh tế mỗi địa phương là không giống nhau, vì vậy, nên có sự “du di”về mức chi cứ không đồng nhất, nhằm đảm bảo nơi nào cần hơn thì đầu tư nhiều hơn. Ngoài ra cần lắng nghe dân, theo dõi sát công năng hoạt động sau khi được đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hoá, quản lý nguồn xã hội hoá để đem lại hiệu quả.
Tiến sĩ Phan Đăng Long, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hà Nội cho rằng, hiện tại, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, chưa thống nhất đồng bộ toàn TP, dẫn đến hiệu quả hoạt động có sự chênh lệch. Việc ban hành Nghị quyết sẽ khắc phục sự thiếu thống nhất đồng bộ này. Trên cơ sở quan trọng đó, dự thảo Nghị quyết sẽ tạo một bước quan trọng, tạo điều kiện cho hệ thống các thiết chế được phát huy hiệu quả hơn.
Chuyên gia góp ý tại hội nghị |
Còn theo ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Viêt Nam TP Hà Nội: Với 2 mức chi về mua sắm thiết bị cho thiết chế văn hoá vượt cao hẳn so với mặt bằng chung cả nước, cần thiết phải có sự lý giải cơ sở nào để Hà Nội áp dụng mức chi này?
Ngoài ra, trên thực tế hiện nay, nhiều cấp xã, nhà văn hoá đã được trang bị rất hiện đại, nên việc đầu tư như thế nào cần làm rõ thêm tránh lãng phí. Cũng theo ông Phạm Ngọc Thảo, việc đầu tư cho kinh phí tổ chức các phong trào thể thao cấp thôn, xã rất quan trọng, cần thiết tăng cao hơn 2 khoảng trên.
Ông Trương Minh Tiến, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện công tác Tôn giáo đề nghị ngân sách hỗ trợ hoạt động đối với cấp xã, thôn chưa xây dựng được thiết chế văn hoá (40 thôn, 338 xã) vì thực tế những năm qua ở các địa phương này vẫn tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao ngoài trời ở trụ sở UBND xã hay các nơi sinh hoạt công cộng… Việc cấp ngân sách hoạt động cho các đối tượng này cũng là thực hiện sự công bằng cho Nhân dân chưa có thiết chế văn hoá thể thao.
Thể hiện sự quan tâm của TP với văn hoá
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, trong xu thế nông thôn Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, cơ quan tham mưu soạn thảo Nghị quyết của TP cần nghiên cứu đến điều khoản chuyển tiếp đối với những đơn vị thay đổi mô hình đô thị. Đặc biệt, về 19 tiêu chí Nông thôn mới đều liên quan đến văn hóa và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân với mong muốn được đầu tư nhiều hơn, khai thác nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn... Vì vậy, bên cạnh các chính sách về phát triển văn hóa của TP Hà Nội thì Nghị quyết này thể hiện rõ sự quan tâm của TP về lĩnh vực văn hóa.
“Mặt trận sẽ tăng cường giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết; đồng thời đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cần nghiên cứu tiếp các nội dung khác như: Tên gọi; rà soát kỹ danh mục các văn bản biện dẫn, thống nhất trong bố cục đề cương”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định
Còn đối với các ý kiến của đại biểu về quản lý sau đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương đề nghị, Sở Văn hóa và Thể thao cần quan tâm, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đồng thời tiếp thu lý kiến phản biện của MTTQ để hoàn thiện hồ sơ và sớm có thông tin trao đổi trở lại để MTTQ Việt Nam TP thông tin tới các nhà khoa học.
Với sự thống nhất cao của các đại biểu tại hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tin rằng Nghị quyết sẽ nhận được sự đồng thuận của Nhân dân khi ban hành.