Không có mua sắm thì không thể phát triển được du lịch và kinh tế đêm
Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược” Đẩy mạnh phát triển kinh tế số từ thanh toán không dùng tiền mặt |
Du lịch mua sắm chưa được khai thác hiệu quả
Ở Việt Nam loại hình du lịch mua sắm còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức khiến những tài nguyên sẵn có của chúng ta chưa phát huy được hiệu quả.
Theo thống kê mới nhất, hiện tại trung tâm du lịch lớn nhất cả nước như Hà Nội, TP HCM mới chỉ có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm dành cho du khách.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển du lịch mua sắm sẽ thúc đẩy tích cực kích cầu mua sắm và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào những năm 2030.
Mỗi năm, các công ty du lịch của Việt Nam tổ chức hàng vạn tour đưa khách Việt sang Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… chỉ để kích cầu tiêu dùng cho nước bạn.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, du khách tới Việt Nam bao năm qua vẫn loay hoay trong câu chuyện không biết chơi gì, mua thứ gì để khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng mà chỉ ở Việt Nam mới có.
Thực tế, tại các điểm tham quan, khu chợ đêm, khu phố đi bộ chỉ bày bán lẻ tẻ những món đồ tạp nham, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng lưu niệm tại địa phương cũng chưa được chú trọng đầu tư, hàng hóa nội địa không được cam kết chất lượng, không có những địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.
Liên doanh cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty free) đầu tiên ở Việt Nam của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn |
Trong khi đó, phân khúc hàng hiệu gần như bỏ trống khi chưa có chính sách để phát triển các khu factory outlet (trung tâm bán hàng giảm giá), cửa hàng miễn thuế dưới phố…
Cuối năm 2022, liên doanh giữa Tập đoàn kinh doanh miễn thuế Lotte và Công ty thành viên IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã khai trương liên doanh cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty free) đầu tiên của Việt Nam tại TP Đà Nẵng với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.
Ngay lập tức, khu cửa hàng miễn thuế này đã trở thành "thỏi nam châm" hút khách Hàn Quốc, đồng thời nhanh chóng có mặt trong top những điểm phải đến khi tới thủ phủ du lịch miền Trung.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận do chưa có sự liên kết tốt nên cửa hàng miễn thuế này chưa thực sự tạo ra "cú hích" cho thị trường du lịch mua sắm tại thành phố.
Bên cạnh đó, muốn thực sự đẩy mạnh được lĩnh vực này, Việt Nam phải thực sự đẩy mạnh được thương hiệu điểm đến mua sắm. Nếu muốn địa phương tự xây dựng thương hiệu thì phải có những chính sách ưu đãi rất đặc thù, như cách Trung Quốc đã làm tại đảo Hải Nam.
Không chỉ thành phố đáng sống Đà Nẵng mà từ Phú Quốc đến Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội… du khách chủ yếu chỉ ngày đi tham quan rồi tối về ngủ, không có chỗ chơi, không có chỗ mua sắm tiêu tiền.
Trận địa mua sắm còn để lại nhiều tiếc nuối hơn ở TP HCM. Bởi, đầu tàu kinh tế dù là trung tâm mua sắm - thương mại của cả nước nhưng vẫn chưa có một trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí xứng tầm.
Hàng hiệu mới là lĩnh vực còn nhiều dư địa
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, không có mua sắm thì không thể phát triển được du lịch và kinh tế đêm.
Theo ông, Việt Nam cần đầu tư, phát triển những mặt hàng lưu niệm tại địa phương, hàng hóa nội địa được cam kết chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ. Tuy nhiên, hàng hiệu mới là lĩnh vực chúng ta còn nhiều dư địa, nhất là với TP HCM.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) |
Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ là thúc đẩy TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nghị quyết đã được HĐND TP HCM thông qua cùng chiến lược mời gọi doanh nghiệp quốc tế hợp tác.
Trong đó, Tập đoàn IPPG đã đàm phán với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc dù bán lẻ và phải chịu thuế. Nếu được tạo điều kiện để hình thành những khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố thì Việt Nam sẽ là "thỏi nam châm" hút khách quốc tế tới tiêu tiền.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, thay vì tập trung vào nghề nghiệp mang lại thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, chúng ta cần tập trung ưu tiên phát triển ngành nghề mang lại doanh thu cao để đạt mức thu nhập của một quốc gia phát triển vào năm 2045 như kế hoạch đã đề ra.
Tương tự, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, thời điểm các địa phương quyết tâm phát triển kinh tế đêm chính là "thời cơ vàng" để Việt Nam khai phá mảnh đất màu mỡ du lịch mua sắm.
PGS. TS Phạm Trung Lương cho biết, một mô hình kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần là vui chơi, ăn uống và mua sắm. Khu phức hợp kinh tế đêm sẽ bao gồm cả thiên đường ẩm thực; Không gian vui chơi giải trí và khu mua sắm có thể bán hàng lưu niệm, hàng truyền thống Việt Nam hay các khu outlet, hàng hiệu, hàng miễn thuế được đảm bảo chất lượng, có kiểm soát.
Do đó, việc phát triển du lịch mua sắm sẽ tích cực kích cầu mua sắm và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam Đồng thời, thúc đẩy ngành dệt may, ngành thời trang trong nước phát triển. Từ thiên đường mua sắm, chúng ta có thể tiến tới trung tâm thời trang.
Theo PGS. TS Phạm Trung Lương, chúng ta cần sớm có một trung tâm mua sắm dành riêng du khách quốc tế tại các điểm du lịch hàng đầu của cả nước để những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo.
Song song, cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như là một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm của khu vực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách với sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, rõ ràng về xuất xứ.