Kiểm soát chặt chẽ hơn an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học đã được chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo, cơ quan chức năng các cấp đã phối hợp quản lý chặt chẽ, nhờ đó đạt được nhiều kết quả khả quan.
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu khai mạc tọa đàm |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn tồn tại một số thực trạng như: Nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức thực hành an toàn thực phẩm của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm còn chưa cao; Chưa thực hiện nghiêm túc quy trình bếp ăn một chiều, cơ sở vật chất của các bếp ăn xuống cấp sau một thời gian dài không hoạt động do dịch bệnh; Chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn chưa tuân thủ đúng quy định; Còn tình trạng để lẫn thực phẩm sống - chín; đơn vị cung ứng không thực hiện đúng cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm... Đặc biệt, tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học vẫn xảy ra.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, để tăng cường công tác quản lý ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn. TP đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện, tập trung vào những nhiệm vụ như tăng cường kiểm tra ATTP của bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các trường có bếp ăn bán trú, giám sát chặt chẽ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố liên quan đến ATTP....
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đánh giá, nhiều năm qua, mô hình bếp ăn tập thể của các trường học đã và đang được triển khai rất tốt tại quận Thanh Xuân nói riêng và Hà Nội nói chung. Thông qua buổi tọa đàm, các ý kiến từ các chuyên gia, các cán bộ cơ sở, các ngành... sẽ đóng góp thêm nhiều giải pháp, gợi mở để góp phần cùng thành phố nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, nhất là thời điểm trước thềm khai giảng năm học mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội phát biểu tại tọa đàm |
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu và độc giả đã bày tỏ những băn khoăn trong vấn đề quản lý an toàn thự phẩm tại các bếp ăn trường học. Độc giả Ngô Kim Thuý (huyện Gia Lâm) hỏi: An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển thể chất của học sinh. Với các trường học, chất lượng bữa ăn học đường do cả hai ngành Y tế và Giáo dục kiểm soát. Vậy công tác thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học hiện đang được hai ngành Y tế và Giáo dục triển khai như thế nào?
Ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giải đáp, Công tác bảo đảm ATVSTP được ngành triển khai rất bài bản. Vào đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế phối hợp ban hành Kế hoạch liên ngành về công tác y tế trường học, trong đó đề ra mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Đối với cấp học mầm non, hằng năm, chúng tôi ban hành văn bản Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và Hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn, trong đó có quy định rõ về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ (Quản lý, thực hiện quy trình bếp ăn một chiều, giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia ăn, lưu mẫu thức ăn, sử dụng nguồn nước uống, nước sinh hoạt…)...
Đại diện lãnh đạo Báo Hànộimới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và quận Thanh Xuân chủ trì tọa đàm |
Bạn đọc Trần Thu Hà (quận Ba Đình) hỏi: Khi ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho các trường học, các công ty cung cấp suất ăn phải có đầy đủ thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. Nhưng thực tế cho thấy, các vụ ngộ độc ở trường học vẫn xảy ra. Điều đó chứng tỏ, thủ tục pháp lý chưa phải là một "bảo chứng" giá trị. Vậy, nếu xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm trong nhà trường, công ty cung cấp suất ăn trường học sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Là một đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội, Công ty TNHH Hương Việt Sinh đã có những biện pháp nào để bảo đảm chất lượng thực phẩm được cung cấp vào trường học?
Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh |
Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh giải đáp: "Khi ký kết Hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại các trường học, công ty đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào, kiểm soát các khâu chế biến ra thành phẩm, chứ không chỉ là đủ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục pháp lý. Theo đó, công ty chủ động sản xuất phần lớn nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào là rau củ quả, các sản phẩm chế biến. Những mặt hàng không chủ động được thì công ty sẽ liên kết theo chuỗi với các đơn vị có uy tín và có các bộ phận chuyên môn kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào. Để kịp thời ứng phó với các tình huống mất an toàn thực phẩm, công ty đã thành lập bộ phận Kiểm soát an toàn, bộ phận này sẽ phối hợp với nhà trường và báo cáo các cơ quan chuyên môn để xử lý tình huống nhanh nhất. Ngoài ra, chúng tôi chịu mọi trách nhiệm trước phụ huynh, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước về việc mất an toàn thực phẩm tại trường theo quy định".
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà cho biết, sau hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra hết sức sôi nổi với hàng chục ý kiến hỏi, đáp và phát biểu từ lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, ban giám hiệu các trường học..., Tọa đàm trực tuyến “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học” đã giúp độc giả và các khách mời có được bức tranh khá tổng thể về bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tọa đàm cũng góp phần làm sáng tỏ những khó khăn, thách thức của công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học hiện nay cũng như đưa ra những giải pháp hữu ích cho vấn đề này trong thời gian tới.