Kiểm soát, ngăn chặn bánh Trung thu nhập lậu, kém chất lượng
Công khai tên cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu vi phạm Kinh doanh bánh Trung thu handmade: Giới trẻ bội thu từ nghề tay trái |
Người tiêu dùng cần thận trọng
Thị trường bánh Trung thu vào mùa, kéo theo đó các hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm nhập lậu, chất lượng kém gia tăng. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã khám xét và tạm giữ 1.000 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, đang được tập kết trước cửa số nhà 301 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh bánh Trung thu |
Trước đó, ngày 8/8/2020, lực lượng chức năng Hà Nội bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại số 27 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội và phát hiện 8.000 sản phẩm (tương đương hơn nửa tấn) bánh kẹo như bánh Trung thu, bánh chuối, bánh pho mai... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đối tượng khai nhận số hàng hóa trên được thu mua gom, trôi nổi trên thị trường ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, sau đó tập kết tại số 27 Trần Duy Hưng để bán cho các đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tiếp đó, ngày 21/8/2020, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phối hợp kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Minh Đức (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và phát hiện trong kho hàng của công ty này có 22.000 sản phẩm bánh Trung thu (bánh nướng các loại) do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Ghi nhận trên thị trường Hà Nội cho thấy, nhiều tuyến đường trung tâm đã bắt đầu xuất hiện quầy kinh doanh bánh Trung thu của đa dạng thương hiệu. Tuyến đường Lê Trọng Tấn trước cửa tòa nhà Artemis, một dãy các quầy kinh doanh bánh Trung thu các thương hiệu khác nhau đã xuất hiện.
Tại nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh bánh, kẹo... cũng đã dành vị trí trung tâm để giới thiệu mặt hàng bánh Trung thu 2020.
Thông thường vào thời điểm này những năm trước, thị trường bánh trung thu đã khá sôi động. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dự báo, lượng tiêu thụ bánh Trung thu năm nay sẽ giảm từ 20 đến 30% so với năm ngoái. Do đó, dù nguyên liệu đầu vào có tăng nhẹ nhưng nhiều cơ sở vẫn giữ nguyên giá bán như năm ngoái để kích cầu tiêu dùng.
Kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ
Trước nhu cầu về bánh Trung thu tăng cao, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến nghị đối với người tiêu dùng về việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng bánh Trung thu.
Theo đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí như: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể phải có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
Các sản phẩm phải ghi rõ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng, được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, các sản phẩm phải có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra lời khuyên tới người tiêu dùng sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và có mùi khác lạ. Bên cạnh đó, tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Về cách bảo quản và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng nên thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất…
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyên người dân nên rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh; Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm…
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, mới đây UBND thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch gồm nhiều chương trình áp dụng trên phạm vi toàn thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2020.
Cụ thể, thời gian triển khai từ ngày 6/9 đến 6/10/2020, trong đó, công tác tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh Trung thu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm quy định tại các văn bản hiện hành…
Các cơ sở cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; Bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là cơ sở kinh doanh bánh Trung thu: Tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm.
Các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu phải kinh doanh và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi mạnh; Tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm; Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19…
Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ tình hình quản lý của ngành chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh Trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào tình hình của địa phương chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP Tết Trung thu năm 2020 tại các xã, phường, thị trấn; Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm không đảm bảo an toàn; Tổ chức ký cam kết trách nhiệm đảm bảo ATTP với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định