Kiểm tra an toàn thực phẩm tại 2 nhà hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 83.712 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ. Trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, TP yêu cầu hàng quán vỉa hè, dịch vụ ăn uống đường phố phải ngừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Trong buổi sáng ngày 6/5, Đoàn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã đi trực tiếp kiểm tra tại 2 địa điểm là số 2 và 13 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong đó chú trọng 2 vấn đề là công tác phòng chống dịch Covid-19 và chấp hành quy định về ATTP.
Đoàn kiểm tra tại nhà hàng số 2 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm |
Đoàn kiểm tra trực tiếp kiểm tra dụng cụ trong nhà bếp tại nhà hàng số 2 Lý Thương Kiệt. |
Kiểm tra việc dán nhãn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm |
Qua kiểm tra cho thấy, bếp ăn tại hai nhà hàng Cheering beer (2 Lý Thường Kiệt), nhà hàng Hatoyama (13 Lý Thường Kiệt) đều sạch sẽ, diện tích thoáng, rộng ngăn nắp, có ghi chép đầy đủ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng nhiệt độ bảo quản, công khai nguồn gốc thực phẩm, tem nhãn thực phẩm bao gói sẵn ghi đầy đủ nội dung theo quy định, khu phân loại thực phẩm hợp lý, tủ bảo quản thực phẩm đúng quy định...
Tại thời điểm kiểm tra, các giấy tờ về nguồn gốc thực phẩm, hoá đơn chứng từ ... đều được hai nhà hàng xuất trình đúng theo quy định.
Kiểm tra test nhanh độ sạch của bát, đũa |
Nhà hàng 13 Lý Thường Kiệt thực hiện nghiêm túc việc dán nhãn, niêm yết thực phẩm |
Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đánh giá nhìn chung các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đều thực hiện tốt các quy định, cả 2 cơ sở được kiểm tra sáng nay.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở nhà hàng Cheering beer cần phân loại các dụng cụ làm bếp, sắp xếp ngăn nắp hơn. Nhà hàng Hatoyama cần đậy nắp các thùng đựng rác.
Đoàn kiểm tra nhắc nhở cần đậy nắp thùng rác tại khu vực bếp của nhà hàng 13 Lý Thường Kiệt |
Sau 2 tuần ra quân triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 (từ ngày 15/4), các đoàn liên ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng dịch Covid-19. Nhiều cơ sở đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn có nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng tăng cường giám sát, siết chặt quản lý hơn nữa trong thời gian tới.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong tháng 4/2021, cả nước xảy ra 7 vụ với 73 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó tại tỉnh Sóc Trăng có 1 người tử vong. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 473 người mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Riêng tại Hà Nội, ngay trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra 2 sự cố an toàn thực phẩm tại Trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal và Trường Phổ thông quốc tế Isaac Newton, khiến 6 học sinh phải nhập viện theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột.
Do đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được các địa phương tiếp tục siết chặt và tăng cường thường xuyên, liên tục, không chỉ trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm. Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất công tác triển khai an toàn thực phẩm và phòng dịch của cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Về nhiệm vụ này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh, các đoàn kiểm tra của địa phương không được nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm. Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, địa phương phải công khai danh tính những cơ sở thực hiện tốt cũng như cơ sở thực hiện chưa tốt để cơ sở kịp thời, bổ sung các điều kiện đảm bảo theo quy định. Từ đó, người dân có điều kiện lựa chọn các cơ sở đảm bảo ATTP trong tiêu dùng.
Năm nay, ngoài việc kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, ngoài việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP, các nhà hàng cũng phải chú trọng việc phòng dịch Covid-19 như đảm bảo quy định giãn cách, làm tấm chắn, đo thân nhiệt, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang, niêm yết mã vạch để khách hàng dễ dàng thực hiện khai báo y tế.