Kon Tum: Sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn đất san lấp
Kon Tum: Xử phạt 1 cá nhân vì san lấp đất ruộng Kon Tum: Đèo Lò Xo nát như "chiếc áo rách" Kon Tum: Người dân chua xót nhìn đất đai, hoa màu trôi sông |
Thiếu hụt nguồn đất đắp, đất san lấp đã khiến nhiều công trình bị trì trệ, kéo dài nhiều năm (Ảnh minh họa) |
Ngày 7/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum có báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum về một số vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bất cập lớn nhất hiện nay là nguồn đất san lấp, đất đắp. Từ đó, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc gây trì trệ trong đầu tư, tiến độ xây dựng.
Trên thực tế, các công trình đầu tư công và kể cả các dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế ngoài khu vực công đều thiếu hụt trầm trọng nguồn đất đắp gây ách tắc, kéo dài nhiều năm; nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa hiểu được quy định nên dẫn đến vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều công trình công nghiệp, nông nghiệp, dân dụng xây dựng trên địa hình có độ dốc cao cần san gạt, tạo mặt bằng nhưng lại có nhiều quan điểm khác nhau đối với khối lượng đất này có phải là khoáng sản hay không.
Trước những khó khăn về nguồn đất đắp, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các Bộ, ngành liên quan cần xác định trường hợp là khoáng sản thì phải thực hiện theo các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 trong việc lập thủ tục để cấp giấy phép (mỏ đất) hoặc đăng ký để được cấp thẩm quyền xác nhận, cho phép khai thác khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định rõ trường hợp nào xác định là khoáng sản trong quá trình san gạt, đào, đắp trong quá trình thi công công trình, triển khai dự án đầu tư để địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện.
Ngoài ra, Sở này cũng nêu ra một số khó khăn về thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Cụ thể, Tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010, quy định về đối tượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ gồm 3 nhóm chính: Cát, sỏi; đất sét làm gạch ngói và các loại đá (không có quy định nhóm đất).
Tuy nhiên, quy định về trình tự thủ tục cấp phép của Luật Khoáng sản năm 2010 không phân biệt đối tượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản công nghiệp, xây dựng khác; cũng như không phân biệt quy mô, khu vực địa lý, địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn... dẫn đến việc cấp phép các mỏ khoáng sản có quy mô nhỏ, nhất là các mỏ vật liệu xây dựng thông thường ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội khó khăn, không thể thực hiện theo quy trình thủ tục như luật định (đấu giá đến cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường...)
Theo đó, Sở đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục cấp giấy phép khoáng sản hoặc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định trong khi chờ ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi các Điều 60, 82 Luật Khoáng sản năm 2010).