Tag

Lần đầu tiên có trường ca về trận đánh Chư Tan Kra

Văn học - Nghệ thuật 18/06/2021 08:43
aa
TTTĐ - Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” (NXB Hội Nhà văn) được tác giả Lữ Mai lấy cảm hứng từ câu chuyện thế hệ những người lính thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra.
“Nơi đầu sóng”, tác phẩm thú vị về Trường Sa Cùng Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng "Từ núi đồi gặp phố"

Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều chiến sỹ là người Hà Nội gốc, nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vào ngày 26/3/1968. Trong trận đánh này, gần 200 chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội.

Lần đầu tiên có trường ca về trận đánh Chư Tan Kra
Tác giả - nhà thơ Lữ Mai

Hơn 10 năm qua, những hành trình thầm lặng của họ đã giúp cho “đường về nhà” của các liệt sĩ ngắn lại, nhiều gia đình đã tìm được người thân của mình. Đặc biệt, trong những chuyến đi ấy, nhiều ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy. Những đóng góp thầm lặng của các Cựu chiến binh được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận.

Trong những chuyến đi tìm đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt, có rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cả những bạn trẻ tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc đồng hành, hỗ trợ cung cấp sử liệu làm căn cứ giúp các Cựu chiến binh tìm đồng đội. Đặc biệt, trong những hành trình thầm lặng ấy, có cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Chư Tan Kra…

Lần đầu tiên có trường ca về trận đánh Chư Tan Kra
Bìa cuốn Chư Tan Kra mây trắng

“Chư Tan Kra mây trắng” có 6 chương, gồm: Chương I - Giấc mơ vụn; Chương II - Đỉnh gió; Chương III - Bên kia đại dương; Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về; Chương V - Gửi hòa bình; Chương VI - MẸ. Ngoài nội dung miêu tả hành trình đi tìm đồng đội, tác phẩm còn khai thác góc nhìn của những người lính Mỹ bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các Cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ. Cũng như những người lính Việt, họ chịu nhiều ám ảnh chiến tranh, có người là thương binh, nhiễm chất độc Dioxin.

Lần đầu tiên có trường ca về trận đánh Chư Tan Kra

Đặc biệt, câu chuyện về tình mẫu tử gây xúc động mạnh mẽ. Những người mẹ ngậm ngùi tiễn con ra trận, không nguôi hi vọng đứa con mười tám, đôi mươi sẽ sớm trở về. Sau chiến tranh, bao người con đã không về, hài cốt nằm lại chiến trường xưa. Một số chi tiết ngang trái, ít được khai thác trong văn chương, được tác giả đề cập, như: Hiện tượng nhận nhầm phần mộ liệt sỹ, những sai lầm khi áp dụng phương pháp ngoại cảm…

Chương khép lại trường ca có tên MẸ với những dấu ấn đặc biệt: Không đánh số đoạn như các chương khác; Chữ MẸ viết hoa với ý nghĩa đây vừa là những người mẹ gần gũi, yêu thương; Vừa là mẹ Tổ quốc linh thiêng, che chở.

Ở chương này, ngôi kể là người con thưa với mẹ về tình cảm tận sâu của mình với mẹ, đồng đội, quê hương, Tổ quốc… Niềm yêu thương tận cùng trong cuộc đời người lính, đó là đi đến tận cùng là gặp mẹ. Khi trúng đạn, khi bị thương, khi đau đớn, khi trút hơi thở cuối cùng, họ đều thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi!” - tiếng gọi cuối cùng, ngọn nguồn của sự hi sinh và sức mạnh.

Lần đầu tiên có trường ca về trận đánh Chư Tan Kra

Nhận xét về trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”, ông Hồ Đại Đồng, Cựu chiến binh Trung đoàn 209, Trưởng ban liên lạc CCB tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 cho biết: “Tác phẩm được viết từ cái tâm sáng, từ cảm xúc xót xa chân thành của một cây bút trẻ đã có cái nhìn sâu sắc, tích cực, không tránh né về chiến tranh, về sự tàn phá, hi sinh - cái giá dân tộc chúng ta phải trả để đất nước được độc lập, thống nhất. Đó như một tình yêu dành cho những người lính trẻ đã hi sinh, như lời ru buồn, đau đớn, khắc khoải của người mẹ thương những đứa con ngã xuống vì Tổ quốc chưa được trở về.

Trường ca cũng nêu bật lên được câu chuyện đặc biệt về tình nhân loại - tình người của những người lính, xưa ở hai bên chiến tuyến, nay đã chủ động khép lại hận thù, cùng nhau trở lại chiến trường tìm kiếm hài cốt những người lính đã ngã xuống để làm dịu nỗi đau chiến tranh. Thông qua trường ca này, tôi hi vọng tình người, sự tử tế, tính cộng đồng sẽ được khơi dậy, việc quy tập liệt sĩ sẽ được quan tâm thiết thực, chủ động để nhiều đồng đội liệt sĩ được trở về”.

Trước câu hỏi: Tại sao chỉ một thời gian ngắn sau trường ca “Ngang qua bình minh” đã xuất bản “Chư Tan Kra mây trắng”, tác giả - nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Đúng là nếu tính theo thời gian xuất bản, hai tập sách chỉ cách nhau khoảng nửa năm. Tuy nhiên, ý tưởng và cảm hứng cho các tác phẩm của tôi đã được hình thành từ trước đó khá lâu. Năm 2019, sau chuyến công tác Trường Sa, cảm xúc về biển được rộng mở và mạnh mẽ hơn nên sau hai tập tản văn in chung với kỹ sư Trần Thành là “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” tôi đã viết trường ca “Ngang qua bình minh”.

Riêng về câu chuyện hành trình của những Cựu chiến binh về lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đã xuất hiện trong tôi từ khá lâu. Truyện ngắn “Đuổi theo bóng nắng” của tôi in trên báo Văn nghệ, được dịch ra tiếng Anh đăng trên Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) hay “Cánh chuồn trên vùng quai xanh” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một vài tác phẩm về đề tài này.

Mỗi khi viết một tác phẩm, tôi không có dự định nào về tiến độ hay những điều kiện khác, chỉ là bản thân có nhiều cảm xúc, suy nghĩ và cảm thôi thúc muốn cầm bút sáng tác. Với tôi, tác phẩm là cơ duyên đặc biệt mà khi mình bắt đầu biết trăn trở về nó thì tác phẩm đã được hình thành tính từ thời điểm ấy”.

Được biết, đây là tập sách tác giả tự túc in ấn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là các Cựu chiến binh. Họa sĩ Trần Đức Quyền hỗ trợ vẽ tranh bìa và minh họa, nhà báo Khiếu Minh trình bày bìa… và rất nhiều sự chung tay chia sẻ khác.

Sau khi sách được xuất bản, tác giả có gửi tặng các Cựu chiến binh Chư Tan Kra một lượng sách và ngoài ra, một lượng sách gửi một số đồng nghiệp gắn bó với chương trình Đi tìm đồng đội phát hành, toàn bộ kinh phí thu được sẽ công khai chi tiết và gửi tặng lại Ban Liên lạc Cựu chiến binh tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 đang thực hiện công việc đi tìm đồng đội bởi vì hơn 10 năm nay, các Cựu chiến binh toàn tự bỏ kinh phí để đi tìm đồng đội của mình. Tác giả nhận định, chị đã cố gắng tiếp cận vấn đề và thể hiện câu chuyện về Chư Tan Kra qua cái nhìn của một người viết trẻ. Chắc chắn, còn có những điều chưa đầy đủ, sâu sắc hoặc chính xác như thực tế từng diễn ra…

Với tất cả các tác phẩm, khi viết xong, chị thường sửa nhiều lần, song, đến khi tác phẩm được xuất bản, đọc lại tôi vẫn cảm thấy còn những điểm chưa thật hài lòng và nếu được điều chỉnh thì sẽ thực hiện. Có lẽ, đó cũng là trạng thái tâm lý chung của người sáng tác. Cảm thấy chưa hài lòng về tác phẩm chính là động lực để người viết nỗ lực hơn trong sáng tạo, nhìn nhận được thiếu sót, hạn chế của mình và biết lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với độc giả.

Tác giả - nhà thơ Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Chị tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (Tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện chị đang công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010), Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngắn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, NXB Quân đội Nhân dân), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021).

Giải thưởng: Giải Ba Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca Ngang qua bình minh; Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi; Giải Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 của Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam cho tác phẩm Nơi đầu sóng; Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn và ký đề tài Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam lần thứ 3 của Quỹ Nhà văn Lê Lựu năm 2018 - 2020 cho tác phẩm Núi cựa.

Đọc thêm

Tổng Đạo diễn Phạm Hoàng Giang sẽ tái hiện 70 năm kiêu hùng của Thủ đô Văn hóa

Tổng Đạo diễn Phạm Hoàng Giang sẽ tái hiện 70 năm kiêu hùng của Thủ đô

TTTĐ - Phạm Hoàng Giang hạnh phúc khi được làm Tổng đạo diễn chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” với chủ đề “Dấu son Hà Nội”.
Giới thiệu di sản độc đáo của Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh Văn hóa

Giới thiệu di sản độc đáo của Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh

TTTĐ - Trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” và Trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
"Người hát ả đào" - vở diễn mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô Văn hóa

"Người hát ả đào" - vở diễn mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô

TTTĐ - “Người hát ả đào” là vở diễn chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Huyện Đông Anh giành giải Nhất Đại sứ Văn hóa đọc Hà Nội 2024 Văn học - Nghệ thuật

Huyện Đông Anh giành giải Nhất Đại sứ Văn hóa đọc Hà Nội 2024

TTTĐ - Với phần dự thi được đầu tư công phu cả hình thức và nội dung, đội đến từ huyện Đông Anh đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024.
Lân Sư Rồng sẽ thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia? Văn học - Nghệ thuật

Lân Sư Rồng sẽ thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia?

TTTĐ - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét đưa nghệ thuật Lân Sư Rồng - một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cuộc thi “Nhịp sống trẻ” - cơ hội cho tài năng nhảy hiện đại Văn hóa

Cuộc thi “Nhịp sống trẻ” - cơ hội cho tài năng nhảy hiện đại

TTTĐ - Ngày 20/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội thông tin về Cuộc thi nhảy hiện đại “Nhịp sống trẻ” - Hà Nội lần thứ II, năm 2024.
Viết về "người nối quá khứ với tương lai" Văn học - Nghệ thuật

Viết về "người nối quá khứ với tương lai"

TTTĐ - Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã viết bài thơ tặng Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa - một trong những người góp công sức tôn tạo và lưu giữ hình ảnh trường dạy làm báo đầu tiên của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Mốc son lịch sử Văn hóa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Mốc son lịch sử

TTTĐ - “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Mốc son lịch sử” là trưng bày chuyên đề chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) do Thư viện Hà Nội tổ chức.
Cuốn sách kỉ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng Văn học - Nghệ thuật

Cuốn sách kỉ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

TTTĐ - Nhân dịp kỉ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2024), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã tái bản cuốn sách “Người cập rằng hầm xay lúa” do nhà văn Nguyễn Công Hoan kể, họa sĩ Mai Long vẽ minh họa.
Triển lãm “Thủ đô Hà Nội phát triển - đổi mới - hội nhập” Văn học - Nghệ thuật

Triển lãm “Thủ đô Hà Nội phát triển - đổi mới - hội nhập”

TTTĐ - Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Hội Nhà báo Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm ảnh “Thủ đô Hà Nội phát triển - đổi mới - hội nhập”.
Xem thêm