Làng cổ Đường Lâm tất bật nấu chè Lam đón Tết
Đón Tết online: Xa mặt nhưng không cách lòng Xứ Đoài nhộn nhịp làm món cà dầm tương đón Tết Phố Hà Nội ngập tràn sắc xuân đón Tết Nguyên đán |
Ghé thăm những gia đình làm chè lam tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), không khó để bắt gặp mùi hương thơm nức của gạo nếp mới, gừng, mạch nha, lạc rang.
Bà Phan Thị Hoa, năm nay ngoài 60 tuổi, một trong những người nắm giữ kinh nghiệm làm chè lam ở làng Đường Lâm cho biết, nguyên liệu làm chè lam không cần cầu kỳ và cách chế biến cũng không quá phức tạp.
Gạo nếp sau khi xay thành bột sẽ được cho vào máy nổ thành bỏng gạo, từ bỏng gạo lại nghiền thành bột, sau đó sẽ phải lọc để bột được mịn và nguyên chất hơn; Kế đến là rang lạc và vừng cho chín vàng để trộn cùng với bột gạo nếp. Gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ rồi đập nhỏ.
Nguyên liệu làm chè lam rất dân dã gồm gạo nếp, lạc, gừng... |
Công đoạn nấu chè lam là quan trọng nhất bởi những người thợ lành nghề sẽ biết cân, đong, đo, đếm từng nguyên liệu sao cho thật vừa vặn. Trên bếp than hồng là nồi nước với gừng đã được rửa sạch bào nhuyễn. Đường, mạch nha, lạc rang cộng thêm một chút muối tinh được cho vào cùng lúc. Tất cả được đun với lửa vừa, khuấy thật đều tay cho đường tan, hòa với mạch nha và gừng mà không bị cháy khét. Khi tất cả đã hòa quyện với nhau thành hỗn hợp nước có màu vàng óng, gần như keo lại là đến công đoạn quan trọng nhất là rắc bột.
Bột nếp rang đã nghiền được đổ đều tay vào nồi nước, đổ đến đâu đảo thật đều đến đó cùng với các nguyên liệu khác. Người thợ lành nghề sẽ biết cho lượng bột hợp lý để tạo độ dẻo đúng chuẩn cho chè lam bởi nếu thiếu bột bánh, chè lam sẽ nhão, dính chặt với nhau và nếu cho bột quá tay, chè sẽ rất nhanh cứng, không có độ mềm dẻo khi ăn. Do đó, công đoạn quan trọng nhất là cho bột và đảo thật nhanh.
Bà Hoa đổ lạc vào nồi chè lam rồi khuấy đều tay |
"Phải đánh mạnh và đều tay thì kẹo mới dẻo, để được lâu và ăn ngon hơn. Nếu lười quấy, kẹo bị vón cục, nhanh bở và chóng hỏng lắm" - vừa nói, bà Hoa vừa dồn sức quấy đều nồi chè. Ở tuổi ngoài 60, bà Hoa vẫn có một sức khỏe dẻo dai đến lạ kỳ. Đôi tay bà thoăn thoắt chuyển động theo từng vòng quay của nồi chè cho đến khi đạt độ sánh nhất định rồi nhanh chóng bắc nồi, trút chè lam còn đương nghi ngút khói vào chiếc mâm đã được trải sẵn "bột áo".
Chè lam sau khi được nấu chín sẽ đổ ra lớp áo bột đã trải sẵn |
Chè lam Đường Lâm được làm hoàn toàn thủ công bằng phương pháp gia truyền, mỗi nhà một công thức, bí kíp riêng dù nguyên liệu đều như nhau. Một miếng chè lam đạt yêu cầu là dẻo vừa phải, không mắc răng; độ ngọt thanh; Có vị cay và thơm nồng của gừng lại có vị béo ngậy của những hạt lạc rang.
Trong tâm thức của bà Hoa, không biết phong tục làm chè lam ngày Tết ở làng Đường Lâm có tự bao giờ, nhưng đây là một món ăn không thể thiếu mỗi dịp đầu năm mới. Thời kháng chiến gian khổ, cũng như những ngày bao cấp, đời sống của người dân khó khăn đến mức không đủ cơm ăn, thì dân làng Đường Lâm gần như không nấu chè lam. Căn bếp quê trở nên lạnh lẽo vì thiếu ánh lửa hồng của nồi chè lam thơm ngọt. Đó là những ngày Tết buồn nhất.
Chè lam là một thức quà quê dân dã, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc của người dân Đường Lâm |
Cho đến khi cuộc sống được cải thiện, người dân làng Đường Lâm lại tiếp tục khôi phục truyền thống nấu chè lam ngày Tết tự lâu đời. Chè lam ngon nhất khi thưởng thức vào tiết trời se lạnh, bên những chén trà nóng thơm phức. Trong không khí ấm áp, đoàn tụ ngày Tết cổ truyền, cắn một miếng chè lam, nhấp một ngụm trà, tất cả hương vị, tinh túy của hồn quê như tan dần trong miệng người thưởng thức - một thức quà dân dã không thể nào quên trong mỗi dịp đầu xuân.