Mạng lưới đường sắt đô thị giải quyết triệt để ùn tắc giao thông
Chuyên gia quốc tế hiến kế phát triển đường sắt đô thị Gỡ vướng mắc về khung pháp lý để phát triển TOD Cần “may đo” riêng cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khung pháp lý |
TOD - giải pháp căn cơ cho đô thị lớn
Theo KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, lợi ích của TOD có thể thấy rõ là tăng cường hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; chi phí rẻ hơn xây dựng đường xá và các đô thị mở rộng.
Đối với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với mật độ dân số cao, thì mô hình này là giải pháp căn cơ, toàn diện, dài hạn. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, đòi hỏi phải hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng.
Qua quá trình phát triển còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, việc đầu tư phát triển cho hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị còn chậm. Cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện còn hạn chế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Anh, Singapore… đã trình bày những kinh nghiệm về phát triển đô thị theo mô hình TOD ở một số quốc gia trên thế giới.
KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội |
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trước khi tiến hành chọn vùng TOD. Ông Ian Linsday, cố vấn chuyên môn Crossrail International cho rằng, phải lập kế hoạch phát triển TOD, tham vấn trước ít nhất 5 năm.
"Để thực hiện mô hình TOD, trong giai đoạn lập kế hoạch, chúng ta thu hồi đất ở mức tối thiểu cần thiết để thi công đường sắt; phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ tốt với bên liên quan là điều kiện tiên quyết để thành công, đặc biệt là thể chế, luật pháp… Tôi lấy ví dụ tuyến metro ở Toronto, chính quyền nơi đây đã thay đổi luật pháp trước đó 4 năm để có thêm quyền thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, chính quyền cần phải theo sát thị trường bất động sản, đưa ra thỏa thuận đối với bên phát triển thương mại, đảm bảo quyền lợi cho họ; đặc biệt là không thể thiếu những giấy phép, giải pháp số trong việc mua đất, thiết kế, thực hiện phát triển nhà ga tổng quan" - ông Ian Linsday nói.
Bên lề hành lang hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức) bày tỏ quan điểm, nếu mục tiêu của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 40 - 50% giao thông công cộng thì phát triển TOD không thể cho một vài tuyến mà cho tất cả tuyến. Trong quá trình thực hiện, hai thành phố cần chọn tuyến nào làm trước và chọn nhà ga nào làm trung tâm để phát triển tuyến xung quanh nhà ga.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức) trả lời phóng viên bên lề hành lang hội thảo |
Tạo ra không gian phát triển mới
Kết luận ngày làm việc đầu tiên của hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Đồng thời, ông Dương Đức Tuấn khẳng định, Bộ Chính trị đã đặt ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó tập trung đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn |
Theo ông Dương Đức Tuấn, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, có quy mô lớn về diện tích, dân số và tốc độ tăng trưởng cao. Đồng thời, hai thành phố có vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng miền xung quanh.
Hiện tại, hai thành phố đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị trong nhiều năm qua đã và đang được quan tâm, chú trọng triển khai.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, hai thành phố cũng sớm xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được xem như xương sống của hạ tầng giao thông vận tải.
Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân; giảm phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.
Toàn cảnh hội thảo |
Một lần nữa, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: "Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị gắn kết với hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD để tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả trong huy động vốn.
Khai thác, vận tải đường sắt nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra trong nhiều chính sách phát triển đô thị, phát triển giao thông của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhiều quan điểm mới tại hội thảo sẽ được tập hợp, nghiên cứu. Từ đó, chính quyền hai thành phố có thêm dữ kiện để bổ sung vào quy hoạch, hoạch định chính sách về quản lý và phát triển đô thị cũng như phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.