Năm học mới và nỗi niềm cha mẹ
Khai giảng năm học mới 2023-2024: Học sinh tựu trường sớm nhất trước 1 tuần TTTĐ - Bộ GD&ĐT quy định thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Thời gian khai ... |
Cố gắng để con không thiệt thòi
Hai vợ chồng chỉ là nhân viên văn phòng, chị Lê Thu Mai ở quận Đống Đa đang cân đối chi tiêu để chuẩn bị cho con trai lớp 4 và con gái lớp 2 vào năm học mới.
Sách giáo khoa, vở, bút, quần áo... là những vật dụng không thể thiếu của bất kỳ học sinh nào, nhất là khi bước vào năm học mới. Những thứ tưởng chừng là nhỏ nhưng lại rất tốn kém, khiến nỗi lo của cha mẹ càngnhiều thêm lên.
“Nếu như tiết kiệm thì chi phí ăn, học, quần áo, cho 2 con mỗi tháng cũng phải lên tới 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên thời điểm đầu năm học mới, đủ các khoản chi lớn, nhỏ, số tiền đó có lẽ sẽ tăng gấp đôi. Điều này khiến vợ chồng tôi toát mồ hôi hột...”, chị Thu Mai chia sẻ.
Cha mẹ luôn cố gắng để con có điều kiện học tập tốt |
Dạo qua các cửa hàng văn phòng phẩm, nhà sách,… trước thềm năm học mới, không khó để có thể bắt gặp những ánh mắt đong đầy tính toán, sự chần chừ, ngần ngại của nhiều bậc cha mẹ khi đứng ở các quầy hàng.
“Cái bút này đẹp, bạn con có, chả nhẽ mình lại không cố để mua con mình. Tuy nhiên, trước khi mua, mình cũng phải cân nhắc, bởi so với bút khác, cái này đắt hơn nhiều.”, chị Nguyễn Thu Hương ở quận Long Biên cho hay.
Có thể việc chuẩn bị tươm tất cho con em mình những đồ dùng tốt, xịn để bước vào năm học không phải là chuyện khó đối với những nhà có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là nỗi lo đối với hầu hết các gia đình có thu nhập trung bình và thấp hiện nay, đặc biệt là với những nhà có 2 con cùng đi học.
Nộp tiền học thêm cũng phải ký đơn “tự nguyện”
Áp lực chồng áp lực, sau khi lo cho con đầy đủ hành trang bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh lại canh cánh nỗi lo lạm thu tại các nhà trường. Trên thực tế, dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã quy định rõ ràng các khoản được thu đầu năm học mới nhưng việc thực hiện quy chế công khai, công tác quản lý thu - chi đầu năm ở một số nhà trường hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhiều bậc phụ huynh cho biết, họ vô cùng lo ngại trước những khoản thu mang tính “thỏa thuận” trên tinh thần “tự nguyện”.
Nhiều khoản thu đầu năm được gắn mác "tự nguyện" khiến phụ huynh lo lắng (ảnh minh hoạ) |
Tại quận Đống Đa, phụ huynh trường Tiểu học Khương Thượng phản ánh có tình trạng học thêm mùa hè núp bóng danh nghĩa câu lạc bộ. Phụ huynh này cho hay khi con đi học, cô giáo gửi đơn tự nguyện để bố mẹ đăng ký, khi nộp tiền, cô cũng gửi đơn tự nguyện để bố mẹ ký rồi mới nộp tiền đóng học.
Từ khi có quy định về những khoản được thu, ở nhiều trường, những khoản nằm ngoài quy định đều được gọi là “xã hội hoá” và phát đơn “tự nguyện” cho phụ huynh. Vì lo ngại con mình bị "để ý", nên dù cha mẹ có khó chịu thì cũng vẫn ngậm ngùi ký tên.
Ngoài ra, không ít trường còn “tranh thủ” bán thêm đồng phục vở, đồng phục bút, đồ dùng học tập,… “Nhà trường làm như vậy, phụ huynh rơi vào cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’, nếu không mua cũng dở mà thực sự thì không phải học sinh nào cũng có nhu cầu”, chị Trần Hồng Mai ở quận Cầu Giấy chia sẻ.
Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn trong sự lo ngại, mùa khai giảng cũng chính là “mùa đóng góp”! Mặc dù thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo sát sao nhưng vẫn xảy ra các trường hợp lạm thu “núp bóng” danh nghĩa “tự nguyện”.
Học phí "phi mã"
Câu chuyện học phí chưa bao giờ “nguội” trong xã hội, đặc biệt ở các trường tư. Trong bối cảnh người đông mà trường công có hạn thì học phí trường tư đã cao còn tăng phi mã khiến cho việc học tập của con em mình trở thành một gánh nặng của nhiều gia đình.
Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh khi gửi con vào học trường ngoài công lập, dù đã xác định tâm lý phải chấp nhận mức học phí cao và tăng từng năm theo mức độ trượt giá. Tuy nhiên năm nay, không ít cha mẹ thực sự “choáng” vì học phí của các trường quá cao. Đặc biệt, có những trường còn thu học phí một lần cho nhiều tháng. Việc này khiến số tiền phải đóng đầu năm học trở thành một khoản tiền lớn.
Học sinh Hà Nội trong ngày khai trường |
Nhiều trường tư thục như Nguyễn Siêu, học phí cũng dao động từ 65 đến 130 triệu đồng/1 năm, tuỳ vào là chương trình đào tạo là Anh ngữ học thuật tăng cường hay hệ Song bằng Tú tài Úc; trường Phổ thông Liên cấp H.A.S, mức học phí cũng từ 105 đến 165 triệu đồng cho hệ Song bằng và hệ Song bằng Tú tài Úc; Mức học phí của hệ thống Trường liên cấp Newton ở cấp THCS, học sinh lớp 6 - 8 là: 69 triệu đồng (hệ bán quốc tế), 87 triệu đồng (hệ Cambrigde - Anh) và 119 triệu đồng (hệ song ngữ - Mỹ). Học sinh lớp 9 sẽ đóng mức phí lần lượt cũng cho các hệ này là 73 triệu đồng, 95 triệu đồng và 127 triệu đồng...
Chị Nguyễn Thanh Xuân ở quận Ba Đình bày tỏ: “Không phải ai cho con vào học trường ngoài công lập cũng thuộc diện khá giả, đặc biệt là cấp THPT. Dịch bệnh vừa đi qua, kinh tế chưa ổn định nên việc tăng học phí thực sự là làm khó cho các bậc phụ huynh”.
Trước thềm năm học mới, nhiều cha mẹ hy vọng các cơ quan chức năng sẽ thanh, kiểm tra nghiêm ngặt hơn những khoản thu “tự nguyện” ở các trường.
Hãy để năm học mới bắt đầu bằng những nụ cười hồn nhiên của học sinh cùng khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của cha mẹ thay vì những nỗi lo từ các khoản đóng góp quá sức.