Nghị trường Quốc hội "nóng" về quy định rút bảo hiểm một lần
Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 |
Không cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là Chính phủ đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, phương án 1, việc rút bảo hiểm xã hội một lần được giải quyết với 2 nhóm lao động. Nhóm 1 là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2 là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp theo quy định. Đối với phương án 2, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.
Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) |
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình), cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ bảo vệ người lao động để họ không muốn rút bảo hiểm một lần.
Dự án luật đề xuất 2 phương án, đại biểu cho rằng linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo đại biểu Nga, mặc dù không cấm nhưng phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, dự án luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn là tại sao một chính sách nhân văn như vậy lại không được người lao động đồng tình. Theo đại biểu Tô Văn Tám, nếu áp dụng phương án 1, có thể người lao động không đồng tình. Ở phương án 2 thì cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không có 50% tổng số thời gian đóng.
Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia. Đồng thời, luật nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần và khi đó họ chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.
Xem xét điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp căn cơ. Đồng thời, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng đề nghị xem xét điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Đại biểu cũng phân tích về ưu, nhược điểm của 2 phương án do cơ quan soạn thảo trình và đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng; thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) |
Nêu ý kiến tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, nếu chọn phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được lao động trẻ, người mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của họ còn rất thấp. Do vậy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ.
Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực để lao động trẻ, người mới tham gia bảo hiểm xã hội, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng như quan điểm xây dựng luật đã nêu, khiến cho mục tiêu ý nghĩa của chính sách về bảo hiểm xã hội không đạt được như Nghị quyết 28 của Trung ương đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, nếu chọn phương án 2 người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động.
Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.
Đặc biệt hơn khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần lại là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình. Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.
Do đó, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.