Người lao động phấn khởi khi được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Chính sách nhân văn chia sẻ khó khăn với người lao động
Ngay sau khi nhận được thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhiều người lao động, doanh nghiệp đã vui mừng, phấn khởi vì đã được hỗ trợ nhằm giảm thiểu khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Anh Đào Văn Tiến, công nhân đang làm việc tại Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: Tôi làm việc tại công ty từ năm 2015 và được đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ. Tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi cùng một số người trong công ty đã nghỉ việc và làm thủ tục dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cuộc sống của những người lao động như chúng tôi rất khó khăn. Do đó khi biết tin sẽ được hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tôi rất vui vì có thêm phần chi phí, trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Nhiều người lao động, doanh nghiệp đã vui mừng, phấn khởi vì được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp |
Tương tự, chị Vũ Mai Anh, công nhân làm việc tại một công ty trên địa bàn Hà Nội cũng phấn khởi khi biết sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
“Gia đình tôi có 4 người, hai vợ chồng và hai con nhỏ, dịch bệnh phức tạp, công ty tôi đang làm việc phải tạm dừng hoạt động vì không xuất được các đơn hàng đi nước ngoài. Cuộc sống khó khăn vì phải trang trải các chi phí sinh hoạt, tiền nhà trọ, điện nước... Nay được biết Chính phủ sẽ hỗ trợ những người lao động bi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tôi thấy như trút được một phần gánh nặng”, chị Mai Anh chia sẻ.
Theo Nghị quyết 116/NQ-CP có hai đối tượng người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định về thời gian được hỗ trợ tiền một lần với 6 mức khác nhau căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, mức thấp nhất là 1.800.000 đồng/người và mức cao nhất là 3.300.000 đồng/người.
Về phía người sử dụng lao động được giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% trong thời hạn 1 năm. Tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động là 30.000 tỷ đồng và người sử dụng lao động là 8.000 tỷ đồng.
Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Việc triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP đã thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.
Đồng thời, qua đó cũng hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp |
Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Việc thực hiện chính sách đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác, có tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, việc thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả; Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Nhận định về tính nhân văn của Nghị định, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết: Chính sách trong Nghị quyết 116/NQ-CP rất có ý nghĩa vì trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hỗ trợ một lần bằng tiền cho những người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ người sử dụng lao động đã thể hiện chính sách hết sức nhân văn, cấp bách và cần thiết giúp cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Có thể thấy rằng, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 với chính sách nhân văn, các chuyên gia lao động, người lao động và người sử dụng lao động rất mong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Bởi khi đối tượng đang gặp khó khăn thì đồng tiền hỗ trợ càng có nhiều ý nghĩa.
Thông qua Nghị quyết 116 cũng thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, cũng phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.