Nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo bền vững
Nhờ có nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, tình trạng tín dụng đen bị đẩy lùi và người dân được giải quyết việc làm ổn định
Bài liên quan
Hà Nội kiên quyết khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Hà Nội: Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
Cần cơ chế mới trong chính sách tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số
“Chìa khóa” xây dựng Nông thôn mới ở Mường Khương
138 nghìn hộ thoát nghèo
Những năm qua, UBND thành phố Hà Nội cùng các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hà Nội để cho người nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn. Đến hết tháng 8/2019, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trên địa bàn 18 huyện, thị xã là 2.155 tỷ đồng/2856 tỷ đồng của toàn thành phố (tỷ lệ 75,3%) cho 65 nghìn khách hàng vay vốn.
Các chương trình cho vay chủ yếu gồm: Chương trình cho vay Giải quyết việc làm có dư nợ là 1.974 tỷ đồng với 56 nghìn khách hàng vay vốn; Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở có dư nợ 131 tỷ đồng với trên 8.000 hộ đang vay để xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở bị dột nát; Vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg là 15 tỷ đồng.
Nhờ có nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố tại 18 huyện, thị xã trong 10 năm qua đã giúp cho gần 900 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó có trên 347 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Việc người dân tiếp cận được nguồn vốn chính sách đã giúp cho 138 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 292 nghìn lao động; giúp cho trên 83 nghìn lượt học sinh sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 405 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo trên 11 nghìn căn nhà cho hộ nghèo.
Không chỉ giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của Thành phố, góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, việc được tiếp cận với nguồn vốn chính sách còn giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Do đó, người dân đã thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đơn cử, tại huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) có 7 xã miền núi có các hộ nghèo dân tộc thiểu số là người Dao và Mường được vay vốn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg là: Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại, Ba Vì, Minh Quang và Khánh Thượng. Thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với Phòng dân tộc huyện và chính quyền các xã rà soát đối tượng vay vốn và tạo mọi điều kiện để hộ nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay.
Đến hết tháng 8/2019, toàn huyện đã có 163 hộ vay vốn với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Các hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay vốn với lãi suất thấp (3,3%/ năm). Thời gian các hộ dân được vay vốn kéo dài để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: Mua sắm máy móc, dụng cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán... từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống hơn.
Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hộ, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các thôn, bản, buôn, làng, xóm, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo gồm cả dân tộc Kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian tối đa 10 năm để tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất kinh doanh...
Hạ tầng nông thôn ngày càng cải thiện
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, từ năm 2011 đến hết quý II/2019, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội là 76.451,3 tỷ đồng. Trong đó thực hiện chương trình nông thôn mới 25.958 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư tăng bình quân hơn 10%/năm so với giai đoạn 2011-2015.
Nhờ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách, sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn và đời sống nhân dân ngoại thành đã có những bước phát triển khả quan. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 đã tăng trưởng và phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Hà Nội không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng đi đôi với an toàn, hiệu quả; chất lượng tín dụng chính sách luôn được chi nhánh quan tâm củng cố, nâng cao.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Nguyễn Kim Phung, trong quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn còn rất lớn. Theo rà soát nhu cầu vay vốn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm trên địa bàn Thành phố có trên 40 nghìn hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm với số tiền khoảng 2 nghìn tỷ đồng.
Hiệu quả từ việc sử dụng nguồn tín dụng chính sách xã hội có thể thấy qua số hộ dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, quá trình triển khai chỉ thị này thực tế vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Thách thức lớn nhất hiện nay là cân đối nguồn lực tài chính để có thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, trong khi nhu cầu đang ngày càng lớn. Bên cạnh đó, thời hạn thực hiện cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc giải ngân vào năm 2020. Thời gian không còn nhiều, cho nên điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những hộ chưa thoát nghèo bền vững, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho rằng, hằng năm HĐND, UBND các cấp cần dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán chi ngay từ đầu năm để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội, kịp thời bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu tiếp tục thực hiện chương trình cho vay với hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định, có thể kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cần thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được dành cho đúng đối tượng, phát huy hiệu quả và mục đích của nguồn vốn này.