Nguy cơ tắc ruột do "rác" thức ăn
Chất xơ trong thức ăn “quyện” thành búi
Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ Khoa Nội soi tiêu hoá mới đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam (38 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân thấy đau bụng và khó tiêu, nội soi dạ dày ở tuyến trước thấy khối dị vật là bã thức ăn ứ đọng nhưng chưa can thiệp để lấy ra được. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm nôn nhiều.
Khối dị vật trong bụng bệnh nhân qua ống nội soi. |
Quá trình nội soi thấy khối dị vật là bã thức ăn màu vàng đặc quánh, đen đặc lòng thân vị dạ dày gây hạn chế lưu thông. Ngay lập tức, ekip tiến hành cắt nhỏ từng phần khối bã thức ăn bằng dụng cụ đặc biệt.
Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân có ăn lượng lớn quả ngoã trồng tại vườn nhà cùng mật ong trong thời gian dài, đặc biệt khi đói.
Cây ngõa là một trong những loại trái cây nhiều chất xơ, sử dụng một lượng lớn thực phẩm có nhiều chất xơ và tanin như hồng, ổi, sung, măng có thể là một trong những nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng loại quả này dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc, lâu ngày to dần lên gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, nôn buồn nôn, chảy máu tiêu hoá do loét ở vị trí cọ sát tỳ đè, tắc ruột…
Các bệnh viện cũng đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp tắc ruột là trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, những bệnh nhân răng kém nên khi ăn có thói quen nhai không kỹ.
Ngoài ra, nếu thức ăn không được nhai kỹ, thức ăn có thể vẫn không được tiêu hóa khi đi qua dạ dày đến ruột, điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột, từ đó dẫn đến đầy hơi và, táo bón, đau bụng...
Tắc ruột nếu không điều trị kịp thời hậu quả rất nghiêm trọng
ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Tắc ruột là tình trạng ngừng trệ sự lưu thông của dịch tiêu hoá và hơi trong lòng ruột dẫn đến sự ứ trệ dịch tiêu hoá trong lòng ruột ở phía trên chỗ tắc làm cho người bệnh bị nôn, đau bụng, bí trung đại tiện.
Bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu hoá được, chúng bị vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, tạo thành một cái ‘nút" gây tắc ruột.
Thói quen nhai thức ăn không kỹ khiến nhiều người phải nhập viện vì tắc ruột nghiêm trọng |
Tắc ruột thường xảy ra ở những đối tượng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, răng kém không nhai kỹ được đồ ăn; người bệnh sau cắt dạ dày, làm cho khả năng nhào trộn, tiêu hoá thức ăn của dạ dày kém đi; bệnh nhân bị giảm a xít dịch vị (viêm teo dạ dày, dùng thuốc giảm tiết dịch vị kéo dài) dẫn đến chức năng tiêu hoá thức ăn kém; viêm tuỵ mạn, suy tuỵ gây sụt giảm lượng enzym tiêu hoá thức ăn; bệnh nhân tâm thần, tự ăn lông, tóc…
Một số triệu chứng tắc ruột thường biểu hiện ra bên ngoài sớm nhất là bệnh nhân bị đau bụng, chướng bụng. Ban đầu cơn đau bụng ở người bệnh tắc ruột chỉ khu trú ở một vùng bụng, sau đó đau lan tỏa ra toàn bụng.
Bệnh nhân thường bị cảm giác buồn nôn. Nếu xuất hiện nôn thì có thể kèm theo các cơn đau, người bệnh nôn ra thức ăn trước rồi sau đó nôn ra nước mật, dịch tiêu hóa và phân.
Bí trung tiện, đại tiện chính là dấu hiệu tắc ruột giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng tắc ruột ở người bệnh. Đây là triệu chứng quan trọng, chứng tỏ sự bí tắc hoàn toàn các chất trong lòng ruột của người bệnh.
Ngoài những dấu hiệu tắc ruột có thể nhận biết sớm thì để chẩn đoán chính xác vị trí tắc và nguyên nhân, cơ chế tắc ruột, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang, siêu âm...
Để phòng tránh tắc ruột với những món ăn nhiều chất xơ, các bác sĩ khuyến cáo nên lưu ý về thời điểm ăn, bởi nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa, làm dính các sợi xơ thực vật, dễ tạo thành khối bã rắn chắc.
Ngoài ra, thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc ruột do bã thức ăn. Vì vậy, nguyên tắc khi sử dụng các loại thực phẩm dễ gây chứng tắc ruột là cần ăn ổi, hồng ngâm khi đã no, không sử dụng khi đói.
Món măng cần nấu kỹ, nhừ, nhai kỹ khi ăn. Việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước/ngày), tăng cường vận động giúp ruột được lưu thông tốt hơn cũng là biện pháp hữu hiệu. Chế độ ăn bổ sung các loại rau xanh, mềm, có độ nhớt như: rau đay, mùng tơi, đậu bắp… giúp hệ tiêu hoá lưu thông thuận lợi.
Tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, tuy nhiên nếu được chẩn đoán và can thiệp trong vòng 24 giờ đầu tiên thì tiên lượng tốt, còn trường hợp chậm xử lý thì khả năng phục hồi của ruột sau điều trị càng kém.
Nguy hiểm hơn, việc xử trí muộn có thể gây mất nước, mất điện giải, hạ huyết áp, trụy mạch sớm, biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân và có thể dẫn tới cả tử vong.
Do đó, người bệnh nếu gặp các triệu chứng như đau bụng, nôn, bí trung tiện, chướng bụng, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.