Phần ký ức đặc biệt của Cụm tình báo mang bí số H63
Ra mắt tự truyện xúc động của con gái nhà tình báo Đào Phúc Lộc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Tổng cục Tình báo - Bộ Quốc phòng |
Cụm tình báo mẫu mực
Song song với những trận đánh của bom đạn, khói lửa, thì các điệp viên ngành Tình báo cũng đã trải qua một cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt và vô cùng hiểm nguy không kém. Họ nhiều lần phải đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, để “vận chuyển” những thông tin mật, tuyệt mật đến cho tổ chức, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, giành thắng lợi trong cuộc chiến với kẻ thù.
Chính từ sự đặc biệt, mưu trí và phi thường ấy, Cụm tình báo H63 đã trở thành một cụm tình báo mẫu mực bậc nhất trong kháng chiến chống Mỹ, hay còn được biết đến rộng rãi là mạng lưới tình báo hậu thuẫn cho hoạt động của “Điệp viên hoàn hảo” - Phạm Xuân Ẩn.
H63 có tất cả 45 người thì 27 người đã hy sinh để bảo vệ mạng lưới tình báo chiến lược. Trong hơn 10 năm hoạt động, hàng trăm báo cáo từ H63 đã được mã hóa rồi chuyển tiếp thành những thông tin chính xác, kịp thời giúp chỉ huy đưa ra những quyết định đúng đắn, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Từ những chiến công vang dội, Cụm tình báo mang bí số H63 đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân từ năm 1970, khi miền Nam còn chưa giải phóng.
Ký ức người trong cuộc
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (năm nay đã 94 tuổi), bí danh Tư Cang, nhận nhiệm vụ làm Cụm trưởng Cụm tình báo H63 từ năm 1962, bồi hồi nhớ lại một lần làm nhiệm vụ năm xưa.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, Cụm trưởng Cụm tình báo H63 |
Ông kể rằng, trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968, khi ông đang ở trong nhà của một cơ sở cách mạng, khi thấy đồng đội bị quân địch vây hãm trong tình thế hết sức nguy cấp. Trong phút chốc, ông đã dùng súng tiêu diệt 2 tên chỉ huy của địch một cách nhanh gọn. Lúc này quân địch ráo riết lùng sục khắp nơi nhằm tìm ra người đã bắn chết 2 tên chỉ huy của chúng. “Khi chỉ còn cách quân địch khoảng 5 mét, đứng trước tình huống đối mặt hết sức cân não, tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất trong đầu, nếu có bị bắt thì sẵn đang có khẩu súng, mình sẽ tự tìm đến cái chết chứ nhất định không để địch bắt lại”, cựu tình báo Tư Cang chia sẻ.
Ngoài chỉ huy Cụm tình báo H63, ông còn là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đặc biệt, trận đánh ở cầu Rạch Chiếc là trận mở màn để giữ đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
“52 người đã nằm lại mãi mãi ở vùng đất đó, có người thi thể không còn nguyên vẹn, có người bị hành hạ đến chết, xác vứt ven đường”, Đại tá Tư Cang chua xót nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo, cũng là một điệp viên thuộc Cụm tình báo H63. Vốn được sống trong một gia đình thương gia giàu có nhưng do ham đọc sách, xem tiểu thuyết và phim trinh thám nên “máu” điệp viên đã thôi thúc bà tham gia cách mạng.
Nhắc đến điệp viên Tám Thảo, hẳn ai cũng nhớ tới chiến công vận chuyển 24 cuốn phim Kodak của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn từ nội thành ra Củ Chi vào năm 1961. Bởi trong đó có chứa những tài liệu mật liên quan đến chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ, tiêu biểu là kế hoạch dồn dân vào ấp chiến lược.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo, cũng là một điệp viên thuộc Cụm tình báo H63 chia sẻ với phóng viên |
Bà bồi hồi nhớ lại ngày hôm đó, lúc được tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn giao cho 24 cuộn phim là ngay giữa chợ, một tình huống khá nguy hiểm và bất ngờ. Do đó, bà chỉ có thể bỏ vội vào một chiếc túi, trong đó đã có sẵn bó nhang và mấy quả trái cây. Tuy nhiên, trên đường bắt xe đò ra Củ Chi thì bỗng xuất hiện một tổ chốt. Bằng sự nhanh trí cùng tài ăn nói khéo léo, bà liền vào vai tiểu thư đài các về quê ăn giỗ, rồi trò chuyện rất tự nhiên với quân lính, thậm chí đến liều lĩnh khi còn chủ động mời họ ăn trái cây trong giỏ. Chính vì sự tự nhiên và bình tĩnh đó của bà đã khiến quân địch lơ là, dễ dàng cho qua bốt kiểm tra, an toàn giao tài liệu cho tổ chức.
Cũng chính bằng bản lĩnh cùng sự điềm tĩnh mà bà hay đùa vui là “từ trong phim ảnh, sách báo” có được, điệp viên Tám Thảo đã nhiều lần thoát được máy nói dối của quân Mỹ.
Ngoài ra, trong sự nghiệp làm tình báo, bà Tám Thảo còn thu thập được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng, đặc biệt là sơ đồ, bố trí lực lượng của Tổng bộ Hải quân ngụy; Tài liệu đánh giá của Mỹ ngụy về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968… đã góp phần giúp lãnh đạo, Quân ủy Trung ương có những nhận định, phân tích và quyết định thích hợp để giành chiến thắng trên chiến trường miền Nam, làm nên thành công của cuộc Tổng tiến công vang dội mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.