Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong bảo vệ môi trường
Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều mô hình thu gom rác thải sáng tạo, hiệu quả. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo hội liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên về bảo vệ môi trường.
Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã cùng các địa phương xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”…
Đặc biệt, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang được triển khai thí điểm tại các huyện, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Một điểm thu gom rác tái chế tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) |
Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Năm 2023, triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã tập trung chỉ đạo điểm 2 mô hình về “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”.
Sau hơn một năm triển khai, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đã có 50.761/66.681 (đạt 76,12%) hộ gia đình hội viên phụ nữ áp dụng thành công phương pháp ủ phân hữu cơ, sản phẩm phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn, giúp giảm gần 13 tấn rác thải (khoảng 40%) xả trực tiếp ra môi trường.
Đến nay đã có 18/18 huyện, thị xã đã triển khai và nhân rộng thêm mô hình tại 237 xã với sự tham gia của 66.681 hộ dân, được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với đó, 44.783 hộ gia đình thuộc 11 huyện làm nông nghiệp ký cam kết không đốt rơm rạ tại cánh đồng sau thu hoạch và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thành phân bón hữu cơ; 18/18 huyện, thị xã tiếp tục triển khai mô hình “Sạch đồng ruộng” đến 100% các xã; xây dựng bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, nạo vét kênh mương, thu gom trên 78 tấn rác, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải trên đồng ruộng.
Cũng trong năm 2023, các mô hình phụ nữ tham gia thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng đã có những tác động tích cực với đời sống văn hóa Thủ đô. Kết quả tính đến thời điểm hiện tại các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được 19 “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả”; 20 “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”; 46 “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”.
Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh
Cùng với các mô hình sáng tạo, hiệu quả của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nêu trên, tại xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) còn có chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Chị Đinh Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho biết: Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì hiện có 1.282 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội, 19 tổ hội. Xã đang trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng xã thành phường, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã có kế hoạch thực hiện chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”.
Chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia |
“Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ và cộng đồng, hướng đến giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tạo thói quen phân loại rác thải từ nguồn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn. Khi mới bắt đầu triển khai chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” chưa được nhiều chị em ủng hộ. Sau nhiều lần vận động, mọi người hăng hái tham gia”, chị Ngọc chia sẻ.
Được biêt, mỗi quý, các chi hội đã thu gom được từ 300.000 - 400.000 đồng từ việc thu gom giấy vụn, sách, vở học sinh cũ, vỏ lon, chai bia, chai nhựa, lon sắt… đem đến các nhà văn hóa thôn đổi lấy cây xanh về trồng ở các trục đường ngõ xóm; ở nhà. Ngoài ra, còn gây quỹ cho các chi hội, từ số tiền đó, mỗi chi hội đã trích một phần để tặng gạo, mỳ tôm cho 2-3 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc mua sách vở cho các học sinh vượt khó, học giỏi.
Chị Nguyễn Thu Hoài, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 2, xã Vạn Phúc, chia sẻ: Từ khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã thực hiện chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn được cải thiện, không còn tình trạng xả rác bừa bãi mà thay vào đó là các tuyến đường ngày càng sạch đẹp, cây xanh tươi tốt.
Có thể thấy, Chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Phúc đã và đang nhận được sự tham gia nhiệt tình của mọi người, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Để chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa, sắp tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục triển khai tới từng chi hội để thu gom, phân loại rác thải có thể tái chế sử dụng, gây quỹ để mua cây xanh, làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.