Quán xuyến công việc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả Hà Nội
Khơi dậy khát vọng cống hiến trong Nhân dân từ sức mạnh đoàn kết Đoàn kết, đồng thuận, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển bứt phá Phát huy sức mạnh nội sinh từ mùa Thu Độc lập |
Sự quyết đoán và sâu sát
Những ngày này, trong đợt thiên tai khủng khiếp, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm và chủ động của lãnh đạo các cấp khắp cả nước, cán bộ của Hà Nội cũng hết lòng, hết sức với chức trách, nhiệm vụ của mình.
Đầu tiên phải kể đến trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 Yagi luôn có bóng dáng và dấu ấn cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đúng và trúng của lãnh đạo thành phố.
Bí thư thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão tại quận Bắc Từ Liêm |
Nhờ tác phong làm việc dứt khoát, tận tâm, trách nhiệm đó mà người dân Hà Nội chủ động, bình tĩnh, vững lòng vượt qua bão táp. Ngay sau đó, công tác khắc phục bão và ứng phó với lũ lụt được các cấp lãnh đạo tiếp tục triển khai hết sức nhanh nhẹn và hiệu quả.
Ngày 8/9, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn TP.
Chiều 9/9, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì họp Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc họp này, ngoài việc biểu dương các lực lượng tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm tinh thần chủ động một cách thực chất theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Người đứng đầu cấp ủy phải quán xuyến công việc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đặt ra trên địa bàn, nhất là việc bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ tài sản, giải tỏa cây xanh, vệ sinh môi trường...
Theo đó, tất cả lãnh đạo các cấp của Hà Nội đều tích cực tham gia công tác chỉ đạo, động viên cán bộ và Nhân dân Thủ đô cùng đoàn kết, chung tay khắc phục những khó khăn, hiểm nguy trong lũ lụt. Điều này cho thấy sự trách nhiệm, tận tâm với nhiệm vụ, sự gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, địa phương.
Đây cũng chính là văn hóa của công chức, lối ứng xử chuẩn mực, đáng tự hào của người Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm hỏi, động viên người dân phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Ảnh: Quang Thái) |
Chiều 10/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại quận Ba Đình.
Ngày 11/9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đi thăm, động viên Nhân dân khu vực ngoài đê sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm đã được di dời về nơi ở an toàn phục vụ công tác phòng, chống bão.
Đảm bảo an toàn và tăng niềm tin yêu của Nhân dân
Một trong những yêu cầu tiên quyết của công tác lãnh đạo, chỉ đạo lúc này là đảm bảo tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Vì thế, công tác di dời người dân khỏi vùng ngập nặng được chú trọng.
Công tác di dời Nhân dân khỏi vùng ngập lụt được thực hiện khẩn trương, hiệu quả |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, căn cứ vào nội dung kết luận của Thường trực Thành ủy trong cuộc họp sáng 10/9, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Ba Đình cần tập trung toàn bộ nguồn lực để ứng phó với tình huống nước sông Hồng sẽ lên cao mức báo động 2.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các lực lượng chức năng quận Ba Đình và phường Phúc Xá đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” ở khu vực nguy hiểm theo đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài.
Ngay trong chiều 10/9, quận Ba Đình thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, tổ chức các lực lượng sẵn sàng ứng trực 24/24h để ứng phó với tình trạng nước sông Hồng lên mức báo động 2.
Chiều 11/9, 6 xã dọc sông Hồng tại huyện Thường Tín (Hà Nội) đã triển khai di dời người dân để phòng tránh các nguy cơ do lũ lụt. Huyện đã trưng dụng trường mầm non, nhà văn hoá tại xã Vân Tảo và Thư Phú để làm nơi trú ngụ tạm thời cho người dân.
Theo báo cáo của quận Bắc Từ Liêm, quận có 4 phường ven đê sông Hồng, 6 phường ven theo sông Nhuệ với 836 hộ dân, 3.346 nhân khẩu cần di dời.
Trong đêm 10/9, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Bắc Từ Liêm cùng các cán bộ, lực lượng ứng trực đã trực tiếp đến nhà từng hộ dân ngoài đê sông Hồng vận động người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Tính đến sáng 11/9, Bắc Từ Liêm đã hoàn thành việc di dời người dân đến nơi ở an toàn tại 17 điểm thuộc nhà văn hóa phường, tổ dân phố và các trường học. 100% số hộ tại các nhà tạm, không an toàn của huyện Đông Anh được di dời đến nơi an toàn. Cụ thể, 231 hộ với 446 người đã được di dời đến nơi an toàn, được cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm thiết yếu.
UBND Huyện Ứng Hoà đã chỉ đạo tổ chức di dời 110 hộ dân với 368 nhân khẩu (ở 10 xã) ven sông Đáy bị ngập đến nơi ở an toàn. Hiện UBND Huyện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, hỗ trợ di dời những hộ bị ngập úng.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) phường Yên Phụ đã vận động di chuyển 214 hộ dân với 429 nhân khẩu nằm trong khu vực ngõ 76 An Dương đến nơi an toàn.
Cùng với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói rét, người dân Hà Nội thực sự đã vững tâm hơn trong lúc lũ lụt mênh mông. Hình ảnh những cán bộ, công chức nhà nước, các lực lượng chức năng chính là những ''chiếc phao cứu sinh" cho người dân trong những ngày này.
Qua bão lũ càng thấy thấm đẫm tình người và sự gắn kết giữa cán bộ, Nhân dân càng thêm khăng khít, bền chặt. Điều này cho thấy đoàn kết tạo nên sức mạnh để chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.