Sốc với những group phản cảm thu hút hàng ngàn thành viên trên mạng xã hội
Cảnh giác “ma trận” tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội Sử dụng mạng xã hội thông minh để lan tỏa những điều tốt đep trong mùa dịch Mạng xã hội không phải là thước đo giá trị con người |
Phản cảm từ tên gọi và những nội dung đăng tải
“Hội những người ghét cha mẹ”, “Hội những người ghét trường, phá lớp”… là những group vừa xuất hiện trên mạng xã hội Facebook với nhiều nội dung phản cảm, lời lẽ và phát ngôn tiêu cực làm xôn xao dư luận trong những ngày vừa qua.
Nhiều group phản cảm liên tục xuất hiện trên mạng xã hội trong những ngày gần đây |
Những hội nhóm này sau khi được lập ra đã nhanh chóng thu hút hàng ngàn người tham gia. Điển hình là group “Hội những người ghét cha mẹ”, chỉ vài ngày sau khi được xuất hiện, nhóm này đã có tới hơn 5.200 thành viên với những bài đăng thiếu tôn trọng phụ huynh, lời lẽ không đúng phận làm con khiến nhiều người bức xúc.
Nhiều nội dung tiêu cực, phản cảm, thiếu chuẩn mực thường xuyên được đăng tải trên các nhóm này |
Trong group, nhiều tài khoản chia sẻ lý do muốn vào nhóm chỉ vì những mâu thuẫn với cha mẹ như xin tiền chơi game, đi chơi, mua đồ, mua điện thoại… mà cha mẹ không cho. Thường xuyên bị cha mẹ mắng, kiểm soát quá mức hay bất đồng quan điểm cũng là lý do khiến các thành viên trong nhóm “ghét” cha mẹ.
Để có thể tham gia vào những group này, các thành viên cần phải có đủ điều kiện “tiêu cực” như 1 tuần cãi nhau với cha mẹ ít nhất 2, 3 lần. Các tài khoản phải kể lại chi tiết quá trình “cãi nhau” và phải trả lời rõ ràng thái độ với cha mẹ là thương hay ghét thì mới được xem xét phê duyệt vào group.
Những ngôn từ phản cảm gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng |
Khi đã vào được group, các thành viên được đăng bài thể hiện tâm trạng, thái độ với cha mẹ, đa phần là các bài viết với chủ đề “tôi ghét bố, ghét mẹ”, được bình luận và bày tỏ những ý kiến của bản thân. Thậm chí, đã có bài đăng thể hiện sự vui mừng của một người con vì mẹ tai nạn nhập viện cấp cứu, nhờ đó thoát cảnh 18 năm bị mẹ chửi.
Những hành vi đáng báo động
Song song với các bài đăng tiêu cực của các cá nhân đang bất mãn với gia đình, nhiều tài khoản tìm đến những group này để lên án group, chỉ ra những lý do không đáng để các thành viên lên mạng bôi nhọ bố mẹ mình.
Sự xuất hiện của các group trên khiến cho môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới cộng đồng |
Tuy vậy, đáp lại những comment phân tích đúng sai này, nhiều thành viên trong group "Hội những người ghét cha mẹ" vẫn đưa ra ý kiến "cãi cùn", xúc phạm lại những tài khoản trên và cho rằng không thích nói xấu cha mẹ thì xin mời rời khỏi nhóm.
Vô tình nhìn thấy group "Hội những người ghét cha mẹ" khi đang đang làm việc, Nguyễn Khánh Linh (25 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy "sốc" và khó chịu khi đọc được các nội dung trong group này.
"Mình cảm thấy thực sự ngỡ ngàng và bức xúc với sự xuất hiện của group này. Những hành vi như thế này là rất đáng báo động và cần phải lên án vì nó sẽ có tác động xấu đến người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những người trẻ", Khánh Linh nói.
Cùng quan điểm với Khánh Linh, Hải Yến (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Thăng Long) cho biết: "Ngay khi nhìn thấy group, không cần biết nội dung là gì, mình không ngần ngại nhờ bạn bè và gia đình báo cáo tới đội ngũ nhà phát triển của Facebook để group này bị xóa bỏ. Những thứ như thế này cần phải nhanh chóng biến mất để không làm ảnh hưởng đến môi trường mạng xã hội vì nó vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội".
Sẽ rất nguy hiểm khi giới trẻ có thể tiếp cận những nội dung độc hại và phản cảm này |
Có lẽ, khi đọc được những nội dung và bình luận tiêu cực trong những group trên, chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ, khó chịu và bức xúc. Việc xuất hiện những hội nhóm thế này có thể kích động tâm lý, nhen nhóm tư tưởng xấu, lôi kéo, tác động khiến nhiều người trẻ dễ đi sai đường, thực hiện những hành vi sai trái, hậu quả khó lường.
Chuyên ra tâm lý Hoàng Hải Hà cho rằng, bất kỳ ai cũng có lúc gặp căng thẳng, những vấn đề có thể ảnh hưởng và chi phối tiêu cực đến cảm xúc của bản thân nên việc bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội với mong muốn được thấu hiểu, đồng cảm hay đơn thuần chỉ để giải tỏa cảm xúc nhất thời là chuyện có thể lý giải được.
Khi sử dụng mạng xã hội, cần cẩn trọng trong lời nói và phát ngôn |
“Việc dùng ngôn từ xúc phạm bố mẹ, người thân, thầy cô… dù trong bất kì hoàn cảnh hay vì lý do gì, có thể không phải ngay lập tức nhưng trước sau gì bạn cũng sẽ dằn vặt và hối tiếc vì điều đó. Những hành vi trên cũng vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội. Hãy cẩn trọng với lời nói và phát ngôn của mình, nhất là khi chúng được công khai hoàn toàn trên mạng”, chuyên gia chia sẻ thêm.
Hiện tại, dù group "Hội những người ghét cha mẹ" không còn xuất hiện trên Facebook nhưng những group mới vẫn liên tục được lập ra. Thông qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn những nội dung độc hại, lôi kéo và tác động xấu tới các giới trẻ, đặc biệt là trong thời điểm giãn cách khi người dân có nhiều thời gian hơn để sử dụng mạng xã hội.