Sống xứng đáng với màu áo lính
Những người lính trẻ dành tặng yêu thương các em thiếu nhi Phim tài liệu “Cuộc tìm kiếm những người lính trẻ Việt Nam” được chiếu dịp 30/4 |
Đam mê sân khấu
Nguyễn Thị Kim Dung quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước đây, gia đình cô không có ai theo nghệ thuật. Tuy nhiên, không giống mọi người trong nhà, Dung lại có niềm đam mê lĩnh vực này, rồi quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Năm 2008, Kim Dung thi vào khoa Diễn xuất, trường Cao đẳng Truyền hình Hà Nội. Kết thúc khóa học 2008 - 2011, cô gái trẻ tìm đến Nhà hát kịch nói Quân đội để thử sức và thỏa mãn niềm đam mê sân khấu. Tháng 3/2011, cô được tập sự tại Nhà hát.
Đại úy Nguyễn Thị Kim Dung mang màu xanh áo lính đam mê sân khấu |
Vào Nhà hát Kịch nói Quân đội, được tiếp xúc, làm việc với nhiều nghệ sĩ mà cô hâm mộ qua các bộ phim, chương trình sân khấu như: NSND Minh Hằng, NSND Thu Quế, NSND Ngọc Thư, NSƯT Minh Tuấn, NSƯT Tiến Quang... Nguyễn Thị Kim Dung rất hạnh phúc. Họ trở thành động lực lớn để cô gái trẻ cố gắng nỗ lực mỗi ngày. Ngay từ khi đảm nhận vai nhỏ nhất, cô cũng ý thức bản thân phải diễn cho thật tốt.
Nữ nghệ sĩ 9X chia sẻ, cô nhận công tác tại Nhà hát Kịch nói Quân đội mà không phải là nhà hát khác bởi “chữ duyên”. Xuất phát điểm của Dung học diễn xuất truyền hình. Tuy nhiên, thay vì về đài truyền hình thực tập như các bạn, cô lại xin về sân khấu thực tập. Một người học truyền hình làm sân khấu như Dung phải mất nhiều thời gian và tâm sức để xóa đi định kiến của đồng nghiệp về điểm khởi đầu. Vì tình yêu với sân khấu, sự nghiêm túc, say mê công việc mà cô đã được ban lãnh đạo Nhà hát đánh giá cao và công nhận.
Nữ Đại úy xinh đẹp rạng ngời |
Tự hào màu áo lính
Đại úy trẻ kể, ngay thời gian đầu tiên vào Nhà hát, nhiều áp lực đè lên vai cô gái trẻ còn quá ít sự va chạm và non nớt về nghề. Kim Dung cho biết: “Làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, cùng những nghệ sĩ tên tuổi cũng vô hình thành áp lực; Bên cạnh đó, mình phải suy nghĩ làm sao để xoá bỏ định kiến về xuất phát điểm của mình. Đặc biệt, bản thân em muốn sớm khẳng định mình bằng niềm đam mê, tình yêu nghề”.
Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, khoảng thời gian khó khăn nhất với cô tại Nhà hát Kịch nói Quân đội là thời điểm đảm nhận vai diễn chính đầu tiên. Ngày báo cáo vở diễn "Chuyện làng Đồi" xong thì 2 ngày sau cô thi tốt nghiệp. Trong khi các bạn cùng lớp bên nhau để có những kỷ niệm đẹp trước khi ra trường, Dung phải chịu sự áp lực đảm nhiệm vai diễn chính đầu tiên trên một sân khấu lớn. Nhất là nhân vật mà cô thủ vai có nội tâm sâu sắc, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm.
Nguyễn Thị Kim Dung luôn không ngừng nỗ lực vươn lên |
Vì vậy, khoảng thời gian đó, cô dành toàn bộ tâm huyết cho nhân vật. “Thời điểm ấy, có lẽ mình làm việc gấp 10 lần sức lực. Tuy nhiên, mọi gian khó qua đi khi mình luôn cố gắng và mọi mệt mỏi cũng tan biến khi gặt hái quả ngọt”, nữ nghệ sĩ bày tỏ.
Trong quá trình làm nghề, Nguyễn Thị Kim Dung có rất nhiều kỷ niệm. Cô kể, kỷ niệm sâu sắc khiến Dung nhớ mãi là chuyến công tác với vai diễn đầu tiên và những cảm xúc lần đầu của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp. Đêm diễn kết thúc, có rất nhiều anh lính trẻ trên tay cầm những bông hoa rừng tặng cho Thoa (vai diễn của cô trong “Chuyện làng Đồi”, tác giả Hà Đình Cẩn, đạo diễn NSND Lê Hùng). Trên tay mỗi người là những tờ tiền một nghìn, hai nghìn và một cây bút. Mọi người đứng đợi để xin chữ ký, có anh không chuẩn bị kịp còn để Dung ký vào vai áo.
Nữ Đại úy dịu dàng trong trang phục áo dài |
“Hình ảnh những người lính đáng yêu, nồng hậu đi vào ký ức của Dung thật đẹp, để bản thân khi trở thành một người lính càng tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với màu áo quân nhân đầy tự hào”, nữ Đại úy bày tỏ.
Cô gái trẻ chia sẻ, khoác trên mình bộ quân phục, là một người lính, bản thân cô có những giới hạn, chừng mực để sống xứng đáng với màu áo đó. Theo nữ Đại úy, phẩm chất của người lính là hành trang, nền tảng để cô vượt qua những khó khăn và vững vàng hơn trong công việc cũng như cuộc sống.