Sưởi ấm tình cộng đồng trong mùa dịch
MC Quyền Linh khóc nghẹn khi dẫn chương trình âm nhạc vì cộng đồng |
Nếp văn hóa mới sau đại dịch
Không còn sự kì thị, xa lánh như thời gian đầu dịch bệnh mới bùng phát, hiện nay, người Hà Nội đã có đủ thông tin và sự hiểu biết về dịch bệnh. Chính vì vậy, mọi người không còn “tránh như tránh tà” trước kia. Cùng với đó, sự công khai, thành thật cũng được người dân đẩy lên hàng đầu.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều các nhóm thành viên dân cư trong địa bàn được lập trên Facebook để mọi người trong khu vực biết được tình hình, trao đổi thông tin chung. Đặc biệt, nếu như trước đây ai từng tiếp xúc, từng di chuyển đến vùng có dịch thường có xu hướng chỉ khai báo y tế thì nay người dân chủ động thông báo cho mọi người để hàng xóm, bạn bè theo dõi sức khỏe.
Thông tin nhiễm Covid-19 được người dân công khai chia sẻ để giúp mọi người theo dõi sức khỏe, cách ly, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng |
Trong nhóm “Mái nhà Khương Đình” của cư dân phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) có người dân thông báo cho mọi người biết con gái bị lây Covid-19 từ bà ngoại, bản thân mình cũng đang theo dõi chờ đi cách ly tập trung. Đồng thời anh cũng nhắn nhủ tới mọi người rằng ai có đến cắt tóc tại nhà mình thì liên hệ với y tế phường. Hành động của anh được người dân trong nhóm hết sức ủng hộ.
Một thời gian sau, anh vui mừng lên nhóm thông báo sức khỏe cả nhà đã ổn định và gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã quan tâm, hỏi thăm gia đình anh. Bài viết của anh được nhiều người bày tỏ cảm xúc, cùng với đó mọi người cũng chúc mừng và mong anh tiếp tục lan tỏa thông điệp, cách thức phòng, chống dịch đến cộng đồng.
Trong các bình luận dưới bài viết này nhóm cư dân “Mái nhà Khương Đình” không quên nhắc nhở nhau thực hiện tốt 5K, các quy định về phòng, chống dịch và chung tay mang đến những điều tốt đẹp tới mọi người trong mùa dịch.
Điều này giúp cho mỗi người cảm thấy ấm áp, chan hòa nhân ái hơn khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ca bệnh ngoài cộng đồng tiếp tục được phát hiện ra nhiều lên mỗi ngày.
Có lẽ, bài học từ những lần giấu diếm, khai báo y tế gian dối khiến dịch bệnh lây lan nhanh đã khiến nhiều người Hà Nội nhận ra cần phải trung thực với cộng đồng. Đó cũng là một thói quen, một nếp sống với, hành vi và cả tâm thế con người văn hóa mới mà Hà Nội đã hình thành được sau mùa dịch.
Để mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng hơn
Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, không thể ngừng nghỉ vì bất cứ lí do gì. Biết làm chủ tình hình, điều chỉnh cảm xúc chúng ta sẽ tự quyết định được thắng lợi của mình. Mặc dù tình hình dịch bệnh có xu hướng lây lan mỗi ngày rộng hơn một chút trong cộng đồng nhưng chúng ta vẫn có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa.
Cùng với việc chấp hành tốt các quy định, nâng cao ý thức, chúng ta còn có một điều mà ai cũng có thể làm được, không mất tiền mua, không tốn công sức, cũng chẳng khó khăn gì. Đó chính là mỗi người hãy làm những việc tốt, lan tỏa tình nhân ái, sẻ chia, giúp đỡ nhau. Khi có tình cảm ấm áp trong tim, mọi khó khăn gian khổ đều sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ vượt qua hơn.
Chị Hoàng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng mình vẫn giữ thói quen đi chợ tuần một lần từ đầu làn sóng thứ 4 của mùa dịch đến giờ. Như vậy, tốn ít thời gian hơn, hạn chế tiếp xúc hơn, đồng thời cũng kiểm soát được chi tiêu trong gia đình. Bên cạnh đó, không chỉ mua cho nhà mình, chị còn giúp đỡ hàng xóm.
Chẳng hạn, chị Lan sát nhà chị có hai mẹ con, chị Lan bận ngồi may đồ bảo hộ lao động, cô con gái nhỏ chưa biết mua bán, mỗi lần đi chợ chị Hoàng sẽ hỏi chị Lan cần gì để mua giúp. Cũng có khi thấy trên Facebook nhóm chợ dân cư khu mình đăng món gì ngon, rẻ chị Hoàng mua rồi san sẻ bớt cho chị Lan, vừa đỡ tiền ship vừa đỡ phải đi lại. Điều này cũng giúp người bán hàng mùa dịch có thêm thu nhập, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con ở các địa phương khác.
Trẻ em trong cùng xóm vui chơi với nhau luôn đeo khẩu trang nghiêm túc |
Nhiều tháng nay trẻ con không được đến trường, đó là thiệt thòi của các em nhỏ. Không để các con bị hạn chế trong không gian hẹp, chị Mai (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thường “xung phong” nhận nhiệm vụ trông trẻ. Nhà chị ở tầng một rất rộng, chị luôn lau dọn sạch sẽ để các cháu hàng xóm sang vui chơi cùng con mình.
Khoảng ngõ trước cửa nhà cũng được chị Mai dọn sạch, tạo chỗ chạy nhảy, nô đùa cho trẻ con cả xóm. Vừa đứng trông các con chị vừa nhắc nhở tất cả các em nhỏ phải chia nhóm, giữ khoảng cách, không tụ tập quá đông đồng thời nhất định phải đeo khẩu trang, rửa chân tay thường xuyên, uống nước ấm để giữ gìn sức khỏe.
Ngày ngày nghe tiếng cười vui của bầy trẻ con, thấy chúng hồn nhiên hát múa, người lớn trong xóm thấy lòng dạ dịu cả lại. Ai nấy đều mong các con giữ vững sự lạc quan và cả sức khỏe bởi cuộc chiến với Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc.
Bây giờ, các hoạt động ở nơi công cộng đang tạm giảm nhưng nhịp sống Hà Nội vẫn sôi động, vẫn tràn đầy sức sống. Trong mỗi ngõ phố, mỗi xóm nhỏ, người dân nâng cao cảnh giác, ý thức phòng, chống dịch lên cao nhưng không phải “nhìn đâu cũng thấy virus” mà dần dần chuyển sang tâm thế “sống chung với lũ”.
Những câu chuyện về tình xóm giềng nhỏ bé thôi nhưng ấm áp, nghĩa tình được họ tiếp tục viết nên mỗi ngày. Chính bởi thế, tình hàng xóm láng giềng ở Hà Nội càng được thắt chặt hơn, bền vững hơn, không phải chỉ là sự xa cách, nhà nào biết nhà nấy như một thời người ngoại tỉnh ác cảm, hiểu nhầm về người Hà Nội.
Tiếp tục tuyên truyền về hai bộ quy tắc ứng xử, gắn với thực tế mùa dịch |
Ứng xử chốn đông người sao cho hài hòa trong mùa dịch |
Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa công sở |