Tăng cường vai trò của Luật Thanh niên trong thời đại mới
Buổi Tọa đàm Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên 2020 có sự tham dự của các đồng chí: Tiến sĩ Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội. |
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã có những chia sẻ về Luật Thanh niên sửa đổi đồng thời nhấn mạnh thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, có nhiều hoài bão, ước mơ. Do vậy, lực lượng thanh niên cần nhận thức rõ quyền lợi, vai trò và nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Chia sẻ tại Hội thảo, đồng chí Trần Quang Hưng cho biết, thanh niên là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tới nay đã có 142/196 quốc gia có chính sách riêng về thanh niên và 43/196 quốc gia đã ban hành Luật Thanh niên.
Đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ về Luật Thanh niên sửa đổi tại tọa đàm |
Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2005, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Thanh niên với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và thực hiện các chính sách cho thanh niên phát triển.
Trong Hiến pháp năm 2013, ngoài các quyền và nghĩa vụ của thanh niên Việt Nam được xác định với tư cách là công dân còn nhấn mạnh: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; Đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.
Việc quy định như vậy cho thấy Nhà nước rất coi trọng vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc hiến định, có ý nghĩa nền tảng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.
Luật Thanh niên năm 2005 đã từng bước đi vào thực tiễn, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên và cho việc ban hành các chính sách, pháp luật cho thanh niên; Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội.
Luật Thanh niên ra đời đã góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Việc triển khai thi hành Luật Thanh niên đã góp phần xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam mới giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; Có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; Có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống, ý chí vươn lên; Xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; Từng bước hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Luật Thanh niên năm 2005 được ban hành, trong quá trình thực hiện cho tới nay có nhiều bất cập, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, Cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, phong trào khởi nghiệp, hội nhập quốc tế sâu rộng... Nhiều quy định chung chung, nặng về “hô khẩu hiệu”, “hình thức”; Có những quy định chưa tạo điều kiện mạnh mẽ cho thanh niên phát triển; Chưa có các chế tài để bảo đảm thực hiện luật; Quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa cụ thể, rõ ràng... Đặc biệt, Luật chỉ tập trung vào quy định kêu gọi và khuyến khích trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội, mà không đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của thanh niên đối với bản thân mình, đối với quốc gia, dân tộc.
Điều đó cho thấy, Luật Thanh niên năm 2005 chưa thể hiện được đầy đủ nhận thức coi thanh niên là rường cột của nước nhà, là mùa xuân của dân tộc, chủ nhân tương lai của đất nước; Là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Chính từ những bất cập đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Tại phiên họp ngày 16/6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005 với tỷ lệ số phiếu đạt 91,3% và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.