Thầy nêu gương, trò chuẩn mực
Đề cao trách nhiệm nêu gương của thành viên UBND thành phố Lãnh đạo nêu gương, yêu thương lan tỏa Phụ huynh nêu gương, học sinh giảm vi phạm giao thông |
Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" được ban hành, lề lối ứng xử trong ngành Giáo dục Thủ đô được nâng lên rõ rệt, trở thành niềm tự hào của thầy và trò Hà Nội.
Bản sắc văn hóa người Hà Nội
Là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội, trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội mang trong mình bề dày lịch sử văn hoá mà không địa phương nào có được.
Hà Nội luôn xác định phát triển văn hóa là nền tảng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu trong quá trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững.
Thầy cô giáo - người vừa truyền thụ kiến thức vừa là tấm gương mẫu mực về ứng xử với học sinh |
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, xây dựng văn hoá ứng xử từ trường học đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhiều giáo viên lâu năm trong nghề khẳng định, đối với học sinh, lứa tuổi đang trong quá trình học tập, rèn luyện cả về kiến thức, nhân cách và đạo đức, vai trò nêu gương của nhà giáo trong giao tiếp, ứng xử cũng như trong thực hiện quy tắc ứng xử văn minh rất quan trọng. Điều này như một tấm gương phản chiếu chính kết quả và tâm huyết suốt quá trình làm thầy của những người đứng trên bục giảng.
Bởi lẽ, nếu thầy cô giáo không là tấm gương sáng về ứng xử thì không có cách nào đào tạo nên những thế hệ học sinh chuẩn mực về giao tiếp, trở thành người Hà Nội có văn hóa, càng không thể tạo nên những thế hệ công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh được.
Thực tế cho thấy, để góp phần làm nên bản sắc văn hóa cho người Hà Nội suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt trong thời hiện đại ngày nay, nhà trường là một mắt xích quan trọng cùng với gia đình và xã hội liên tiếp phát huy truyền thống, giúp thế hệ trẻ vững bước, tự tin tiến vào tương lai bằng nhân cách, tri thức và đạo đức của mình.
Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” thêm một lần nữa khẳng định trách nhiệm của các nhà trường, trong đó có vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh. Cùng với việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử, cán bộ, nhà giáo của trường sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố nhằm làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo Thủ đô.
Cho đến nay, thành phố Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất biên soạn được bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Hơn 10 năm triển khai, học sinh thành phố đã có nhiều chuyển biến trong ý thức và hành động. Đó là nền tảng để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục tự tin, quyết tâm triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội hiệu quả, chất lượng.
Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Nhà trường phát động phong trào “Lời chào người Tràng An” nhằm giáo dục học sinh văn hóa chào hỏi. Phong trào nhận được sự ủng hộ tích cực của phụ huynh bởi điều này đã khích lệ học sinh nói lời hay, làm việc tốt, biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi đúng lúc. Kết quả triển khai cho thấy đã có những chuyển biến tích cực, việc chào hỏi của học sinh, lễ phép chào thầy, cô giáo và khách đến trường đã trở thành nếp quen.
Để duy trì nếp quen này, đồng thời làm gương cho học sinh, hằng ngày vào đầu và cuối buổi học, ban giám hiệu nhà trường đều đứng ở cổng trường để đón, chào học sinh. Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, phòng chống bạo lực học đường. Bản cam kết này nhà trường cho học sinh tự thiết kế nội dung và sáng tạo hình thức thể hiện. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức thi vẽ tranh về đề tài nét đẹp thanh lịch văn minh của người Hoàn Kiếm...
Nối tiếp những niềm tự hào của Thủ đô
Không chỉ là trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao tiêu biểu của cả nước, những năm gần đây, ngành Giáo dục Thủ đô đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng thẩm mỹ cho học sinh.
Những lời nhắn nhủ nhẹ nhàng về những việc nên và không nên làm từ góc thư viện xanh trước sảnh vào trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông, Hà Nội thu hút bất cứ vị khách nào đến với ngôi trường này.
Trong không gian xanh của ngôi trường tiểu học công lập tiêu biểu ở quận Hà Đông, những tấm bảng, pano, áp phích tuyên truyền được treo khắp nơi; tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội được đưa vào thư viện nhà trường và có rất nhiều học sinh đến thư viện tìm đọc cuốn tài liệu chuyên đề này. Không gian xanh cũng như một góc nhắc nhở mỗi học sinh tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống là việc làm thường xuyên, liên tục mỗi ngày.
Cô giáo Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cùng các em học sinh đón chào bạn bè quốc tế |
Cùng với đó, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố; Quy tắc ứng xử nơi công cộng; Nội quy nhà trường cũng được treo nghiêm ngắn ngay trước cổng trường như lời nhắc nhở mỗi công dân về hành vi ứng xử chuẩn mực khi bước vào đây. Đơn giản vậy thôi, nhưng hiệu quả của những việc làm này mang lại nhiều bất ngờ khi có tác động trực tiếp đến nhận thức, làm thay đổi hành vi và giúp học sinh tiểu học tiến bộ lên mỗi ngày.
Xác định Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch là môn học góp phần cùng với gia đình, xã hội giáo dục nhân cách cho các em, dạy các em biết cách ứng xử từ những điều nhỏ nhặt nhất, các giáo viên của Hà Nội đã không ngừng tìm tòi phương pháp giảng dạy để thông qua những tiết học sinh động, hấp dẫn, giúp các em thấy hào hứng, tiếp cận môn học một cách tự nhiên, gần gũi nhất.
Tại quận Nam Từ Liêm, trường THCS Nguyễn Du đã triển khai việc giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh bằng cách tích hợp trong các môn học, các hoạt động ngoại khóa… với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Nhà trường và cha mẹ học sinh cùng ký cam kết thực hiện nội quy, quy định về thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh.
Các em còn ghi dấu ấn đậm nét khi đại diện cho học sinh Việt Nam tham gia đón các đoàn đại biểu quốc tế. Học sinh nhà trường vinh dự 5 lần được đại diện thiếu nhi Việt Nam đón các đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước đến thăm và làm việc. Nhà trường cũng nhiều lần được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn làm địa chỉ đón các đoàn học sinh quốc tế đến từ nhiều nước tham gia chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục.
Học sinh trường THCS Nguyễn Du để lại ấn tượng sâu đậm với bạn bè quốc tế về lối ứng xử thân thiện, văn minh, thanh lịch |
Trong từng sự kiện, hoạt động ấy, sự lịch thiệp, nhã nhặn của học sinh Thủ đô mà đại diện là các em đến từ trường THCS Nguyễn Du đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, rất nhiều trường học tại Hà Nội cũng đã, đang và tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội, các Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đặc biệt, Chỉ thị 30 Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” cũng là một chiếc kim chỉ nam, một công cụ hữu hiệu để ngành Giáo dục Thủ đô duy trì và phát triển môi trường giáo dục đậm nét văn hóa Hà Nội, gặt hái nhiều hơn nữa những thành quả đáng tự hào trong sự nghiệp trồng người.
Tháng 11 về, trong cái nắng đầu đông của Hà Nội tưng bừng, rực rỡ, tại mỗi ngôi trường, học sinh đến lớp với gương mặt hân hoan, thầy cô giáo đón chờ với nụ cười rạng rỡ, tiếng trống trường ngân vang lên lời thúc giục của tri thức và đạo đức, đó là chúng ta có thêm một niềm vui và niềm biết ơn vô bờ dành tới các thầy cô giáo.