Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách xã hội
Vay vốn ưu đãi nhằm phục hồi sản xuất, tạo việc làm tại nông thôn
Huyện Ba Vì có khoảng 28.000 đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung ở 7 xã miền núi, chiếm 37,1% dân số toàn huyện. Sau 15 năm sáp nhập về với Thủ đô, diện mạo 7 xã miền núi của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt và đang dần vươn lên tầm cao mới.
Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Vì đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm ở địa phương; Xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Giải ngân vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì |
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là hộ nghèo và đối tượng chính sách tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Do đó, nhiều gia đình hộ nghèo, gia đình chính sách tại xã Phú Sơn cần được tiếp để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Các nguồn vốn ưu đãi cho vay lúc này là rất cần thiết, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm sẽ trợ lực cho người lao động ở nông thôn đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, chăn nuôi từ đó có việc làm mới hoặc duy trì và mở rộng việc làm tại chỗ nhằm ổn định thu nhập hơn.
Trong quý I năm 2023, UBND xã, Ban giảm nghèo và các Hội đoàn thể xã Phú Sơn, huyện Ba Vì đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện giải ngân 4 tỷ 495 triệu đồng, giúp 127 lượt hộ đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chương trình vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 3 tỷ 240 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 61 người lao động.
Trước đây, vợ chồng anh chị Nguyễn Minh (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) đi làm mộc thuê cho một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nhưng do ảnh hưởng COVID-19, hai vợ chồng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cùng với việc mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Vì 50 triệu đồng và nhờ sự giúp đỡ của người thân, gia đình anh chị Minh đã có điều kiện mở xưởng mộc sản xuất đồ dân dụng như giường, tủ, bàn ghế, cầu thang, cửa…phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Việc mở xưởng mộc đã tạo việc làm ổn định cho vợ chồng anh chị và tạo thêm việc làm cho khoảng gần 10 lao động trong xưởng với thu nhập 6 - 12 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí công việc. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng từ 30 - 40 triệu đồng, đã trừ các khoản chi phí.
Hỗ trợ thanh niên vươn lên thoát nghèo
Huyện Thạch Thất hiện có hơn 11.500 người dân tộc thiểu số, sống tập trung tại 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo có hiệu quả, hàng năm Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách; Đồng thời phối hợp với các Hội đoàn thể ủy thác cho hội viên, đoàn viên vay vốn.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thạch Thất kiểm tra hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. |
Thực hiện Văn bản liên lịch giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các hội đoàn thể nhận ủy thác, Đoàn thanh niên huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các cơ sở hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt công tác ủy thác vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên và nhân dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Kết quả đến hết tháng 7/2023, Đoàn thanh niên huyện đang quản lý vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là gần 36,3 tỷ đồng, với 18 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 9/23 xã, thị trấn, cho 753 hộ vay, trong đó có nhiều chương trình vay vốn giải quyết việc làm.
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đã góp phần không nhỏ vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu, giúp các xã miền núi của huyện đổi thay từng ngày.
Về hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi giúp người dân địa phương thoát nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: “Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm, còn 66 hộ (0,12%); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1.981 hộ (3,36%).
Từ đầu năm tới nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 4.067 lao động, tạo việc làm cho 2.061 lao động. Trong đó, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con miền núi như: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung được huyện đặc biệt quan tâm”.