Tìm hướng đi phát triển bền vững cho các Hợp tác xã Lâm nghiệp
Chưa có chính sách đặc thù
Phát triển các HTX lâm nghiệp là điều cần thiết và phù hợp với điều kiện của nước ta. Đặc biệt, muốn hình thành được các chuỗi lâm nghiệp bền vững với sự tham gia của các HTX, rất cần những cơ chế chính sách cởi mở, phù hợp với đặc điểm của mô hình lâm nghiệp nói chung và kinh tế tập thể nói riêng.
Trong những năm gần đây, các HTX lâm nghiệp đang góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy ngành lâm nghiệp đi lên theo hướng bền vững.
HTX Nông - Lâm nghiệp tại Cao Bằng |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, HTX và tổ hợp tác (THT) lâm nghiệp trên cả nước đang góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng, từ đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các HTX lâm nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như vốn chủ sở hữu ít, chủ yếu vốn vay từ các tổ chức tín dụng nhưng trong ngắn hạn, trong khi thời gian trồng và thu hoạch rừng thường kéo dài.
Luật HTX năm 2012 phân loại mô hình HTX theo nhóm HTX nông nghiệp và phi lâm nghiệp. Do đó, hiện nay các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho khu vực KTTT, HTX chỉ ưu tiên đối với các HTX có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên ngành và chuỗi giá trị.
Thực chất chính sách hỗ trợ phát triển HTX lâm nghiệp nói riêng và chính sách phát triển lâm nghiệp nói chung đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Nghị định 11/2016/NĐ-CP, Nghị định 75/2015/NĐ-CP, Quyết định 38/2016/NĐ-TTg…
Tuy nhiên, theo các chủ rừng và các HTX, mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng còn thấp nên chưa khuyến khích phát triển trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn. Nhiều chính sách vì thiếu nguồn lực đi kèm nên nông dân, HTX thường phải chờ đợi hoặc mất thời gian xoay chuyển vốn. Khi đó, phương án sản xuất lâm nghiệp của HTX cũng bị chậm.
Đó cũng là nguyên nhân khiến số lượng HTX, Liên hiệp HTX, THT lâm nghiệp còn nhỏ bé. Thống kê thực tế đến cuối năm 2021, cả nước có 9.241 HTX trồng trọt, 181 HTX lâm nghiệp, 48 HTX diêm nghiệp, 99 HTX dược liệu.
Cả nước có 9.452 HTX phi lâm nghiệp, trong đó có 2.293 HTX thương mại dịch vụ có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp như trồng rừng, quản lý rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ lâm sản. Hiện, cả nước có 320 THT lâm nghiệp và khoảng 15.000 THT có liên quan đến lâm nghiệp (khai thác, chế biến, tiêu thụ…).
Riêng các HTX lâm nghiệp, trồng trọt và kinh doanh có liên quan đến lâm nghiệp hiện đang có bình quân 176 thành viên/HTX, trong đó 90% là hộ gia đình có liên quan đến rừng, tương ứng với 2,6 triệu hộ gia đình có liên quan đến rừng và hoạt động lâm nghiệp.
Như vậy, số lượng HTX, Liên hiệp HTX, THT lâm nghiệp chỉ chiếm rất ít trong tổng số HTX, Liên hiệp HTX, THT trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cả nước. Nhất là số lượng HTX lâm nghiệp chỉ chiếm 1,02% trong tổng số HTX thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Tạo điều kiện hỗ trợ cho các hợp tác xã lâm nghiệp
Để nâng cao số lượng HTX, THT, Liên hiệp HTX lâm nghiệp nhằm phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, các chính sách phải đủ mạnh, để đảm bảo cuộc sống cho người dân, thành viên HTX.
Bởi hiện nay, nhiều địa phương có thế mạnh phát triển lâm nghiệp nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, người dân và thành viên HTX chưa thực sự sống được bằng nghề phát triển lâm nghiệp.
Phát triển HTX lâm nghiệp bền vững |
Điều mà các HTX lâm nghiệp cần quan tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật HTX năm 2012 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, các tổ chức tín dụng cho HTX lâm nghiệp vay vốn cần xem xét để có thể bảo đảm được sự linh hoạt, theo chu kỳ của rừng cây trồng. Bởi thông thường, các rừng cây trồng theo hướng bền vững thường có thời gian dài nên nếu cho vay ngắn hạn rất khó cho các HTX lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển rừng, quản lý rừng, chứng chỉ rừng, phí môi trường đối với các HTX lâm nghiệp. Thực tế các chính sách này đã được Nhà nước ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho HTX lâm nghiệp nên quá trình áp dụng và thực hiện của các HTX lâm nghiệp chưa hiệu quả và chưa đồng bộ.
Song song với việc tháo gỡ chính sách về vốn vay cho các HTX, cần quan tâm đến các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX theo đúng quy định.
Để làm được điều này rất cần sự chủ động vào cuộc của chính quyền các địa phương nhằm có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phù hợp với tính đặc thù của HTX lâm nghiệp.
Đi cùng với đó là có cơ chế, chính sách bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm lâm nghiệp-rừng trồng phù hợp để người trồng rừng, HTX lâm nghiệp giảm gánh nặng khi bị rủi ro.
Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, các ngành chức năng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rừng hiệu quả hơn hoặc đẩy mạnh cổ phần hóa các lâm trường để người dân, HTX lâm nghiệp tham gia trồng, quản lý, khai thác đất rừng một cách hiệu quả, bền vững.