Tin tức trong ngày 20/4: Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội nhiều lần đánh học sinh
Món quà đặc biệt mỗi thứ 6 của những học sinh khuyết tật Tin tức trong ngày 17/4: 35 học sinh nhập viện do đồ chơi slime |
Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội nhiều lần đánh học sinh
Trường tiểu học Trung Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa có văn bản thông báo kết luận thừa nhận việc cô Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh, dùng thước đánh vào đầu nhiều học sinh.
Kết luận của trường tiểu học Trung Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khẳng định: “Bà Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh của trường này, vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm thân thể học sinh và người khác”.
Cụ thể, sau khi nhà trường trích xuất lại camera giám sát, ghi lại thời gian diễn biến tiết học môn tiếng Anh của lớp 3D vào ngày 28/1/2021 cho thấy, từ 10 giờ 20 phút đến 10 giờ 30 phút, bà Hương dùng thước nhôm bản to đánh vào đầu, bắp tay và véo tai nhiều học sinh.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra camera, nhà trường phát hiện giáo viên này dùng điện thoại với thời gian khá nhiều trong giờ dạy để vào facebook, zalo, xem ảnh, chơi điện tử, không nhằm mục đích phục vụ công tác dạy học.
Trường Tiểu học Trung Hiền nơi xảy ra sự việc |
Cũng theo xác minh của nhà trường, trong quá trình công tác ở trường tiểu học Trung Hiền trước đó, bà Hương nhiều lần đánh học sinh và cả đồng nghiệp.
Cụ thể, năm 2015, bà Hương dùng thước kẻ vụt đỏ hằn lưng học sinh Yến Nh của lớp 3A. Sau đó, bà Hương nhận lỗi và hứa không tái phạm. Năm học 2018- 2019, bà Hương đánh các học sinh lớp 4A gồm: Em Đức A; Bùi B H; Nguyễn Gia P; Nguyễn Q S (S là học sinh tự kỷ); Nguyễn Q Th và Bùi H M (lớp 4C).
Ngày 9/9/2019, Công an quận Hai Bà Trưng nhận được đơn tố giác của phụ huynh học sinh về việc này và cho biết, đơn vị này đã thụ lý và giải quyết sự việc.
Kết quả giải quyết cho thấy, nội dung tố giác là đúng và bà Hương đã dùng thước kẻ đánh học sinh trong lớp vì nói chuyện và chép bài chậm.
Hà Nội yêu cầu không để phát sinh ùn tắc giao thông kéo dài quá 15 phút
UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố xây dựng phương án tổ chức giao thông, phân luồng phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm; Kịp thời giải tỏa ùn tắc đối với các tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn trong các khung giờ cao điểm, không để phát sinh ùn tắc kéo dài quá 15 phút.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có các bến xe, bến tàu) tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu 100% hành khách, lái, phụ xe phải đeo khẩu trang khi đợi ở bến và xuất bến cũng như khi tham gia giao thông trên các phương tiện công cộng;
Ảnh minh họa |
Phối hợp cùng các đơn vị của ngành hàng không, đường sắt, đường thủy thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các bến tàu, bến đò, cảng đường thủy trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố; Phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, các đơn vị chức năng của các tỉnh lân cận lập phương án bảo đảm việc vận hành lưu thông qua các trạm thu phí đường bộ, đặc biệt là những ngày trước và kết thúc kỳ nghỉ lễ.
Cùng với đó, UBND thành phố giao Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24 giờ; Xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý dứt điểm vi phạm lòng, lề đường, hè đường và hành lang an toàn giao thông (đặc biệt là các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, họp chợ, tập kết vật tư, vật liệu trái phép)…
Nhiều người trình báo bị lừa khi mua lan đột biến qua mạng
Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, đang điều tra, xác minh 6 đơn trình báo về việc bị lừa đảo khi mua hoa lan đột biến.
Theo một cán bộ điều tra, những người này tường trình bị lừa tổng cộng 4 tỷ đồng. Người bỏ tiền ít nhất là 85 triệu, nhiều nhất là gần 2,3 tỷ đồng. Trong đơn trình báo, họ cho biết đã mua bán thông qua mạng xã hội Facebook. Cụ thể, bên bán gửi hình ảnh, video hoa lan đột biến cho người mua. Sau đó, 2 bên chốt giá và giao dịch online.
Khi phát hiện bị lừa, bên mua không thể tìm gặp người bán vì không rõ lai lịch, địa chỉ. Quá trình giao dịch, nhiều người đã vay mượn hoặc quyên góp tiền để mua hoa lan.
Theo cán bộ điều tra, Công an huyện Hoài Đức đã xác định được một số người liên quan nhưng chưa thể làm việc do họ không có mặt ở địa phương.
Một chậu lan được cho là đột biến |
Trước đó, Công an huyện Hoài Đức nhận trình báo tương tự của anh Nguyễn Văn Sự (quê Vĩnh Phúc). Qua xác minh, công an xác định anh Sự mua bán lan đột biến của nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau. Số tiền anh này trình báo bị lừa là gần 10 tỷ đồng.
Trước đó, hôm 13/4, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, xác nhận cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo lừa đảo liên quan việc mua bán hoa lan đột biến. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ.
Cơ quan công an cảnh báo tội phạm lừa đảo thường dựng lên giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người từ các nơi về đầu tư hoa lan đột biến để lừa đảo. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi mua.