“Trái tim hồng” vì những người cùng cảnh ngộ
“Chạy vì trái tim 2024” gây quỹ được hơn 6 tỉ đồng Thầy giáo yêu Đội bằng cả trái tim Những trái tim trẻ hướng tình yêu về Bác |
"Trạm yêu thương" tuần này mở ra với một thử thách làm vòng thủ công mỹ nghệ dành cho chị Đinh Thị Quỳnh Nga.
Vừa tự tin thực hiện thử thách, chị vừa giới thiệu đây là công việc quen thuộc như hơi thở của mình tại Hợp tác xã “Trái tim hồng”, nơi có nhiều công việc phù hợp với khả năng và trình độ của người khuyết tật như làm vòng gỗ, may công nghiệp, trồng nấm, in ấn…
Chị Quỳnh Nga tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Để có được ngày hôm nay là cả một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Quỳnh Nga. Khi mới 6 tháng tuổi, từ một tai nạn nhỏ đáng tiếc, chị đã bị liệt mềm chân trái từ hông xuống. Dần dần, chân trái teo lại, bé và ngắn hơn chân phải 3cm, giờ bị liệt hẳn.
Mặc dù có khuôn mặt xinh đẹp nhưng khuyết tật ở chân dần khiến chị trở nên tự ti khi phải đối diện với không ít sự chê bai và coi thường của bạn bè. Cho đến tận bây giờ, chị vẫn nhớ như những lời nói trêu chọc năm xưa: “Long lanh như bát nước chè / Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân”.
Dù hoàn cảnh gia đình không có điều kiện, cộng thêm bệnh tật, chị Quỳnh Nga vẫn khát khao được đi học. Đối với chị, đó là con đường duy nhất để thay đổi số phận, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, chị còn làm rất nhiều công việc từ nhỏ, từ bán hàng trong các sự kiện cắm trại đến mở hàng kinh doanh giải khát. Ngày bán hàng, buổi tối đi học, chị Quỳnh Nga quyết tâm rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, chị phải đối mặt với sự thật phũ phàng: Dù xin việc khắp nơi, đủ các vị trí, nhưng những gì chị nhận lại chỉ là những cái lắc đầu từ chối. Hầu hết mọi người đều ái ngại khi biết chị bị khuyết tật và đi lại khó khăn. Trong suốt 7 năm thất nghiệp, chị Quỳnh Nga phải làm rất nhiều nghề để mưu sinh, từ vẽ tranh sơn mài, bán nước cho đến đi làm hoa cưới.
Bước ngoặt quan trọng mở ra khi chị Quỳnh Nga trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên Mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm 2007.
Cũng từ đây, chị được sống và làm việc đúng với đam mê và chuyên môn của mình. Những tháng ngày đứng trên bục giảng không chỉ đem lại cho chị Quỳnh Nga niềm vui sống, mà còn nhen nhóm trong chị khát khao được chia sẻ khó khăn với những người khuyết tật cùng cảnh ngộ.
“Những em học sinh khuyết tật lớn lên, ra trường rồi sẽ đi đâu, làm gì? Hay lại gặp khó khăn như mình"? Những câu hỏi ấy cứ bám lấy chị Quỳnh Nga, thôi thúc chị và 3 người chị em khác thành lập nhóm “Trái tim hồng” giúp đỡ những người khuyết tật kiếm thêm việc làm từ nghề thủ công mỹ nghệ.
Năm 2009, những viên gạch đầu tiên của Hợp tác xã được xây dựng tuy còn sơ khai nhưng tình yêu thương và lòng quyết tâm của chị Quỳnh Nga và các chị em vẫn luôn được gìn giữ cho đến tận bây giờ.
Sự xuất hiện của ông Nguyễn Quang Vệ, người đồng hành cùng chị Quỳnh Nga trong những năm đầu thành lập Hợp tác xã đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về những khó khăn, gian nan vất vả mà họ đã cùng nhau vượt qua.
Từ một nhóm nhỏ thành lập tự phát, giờ họ đã trở thành một tập thể giúp đỡ được nhiều người. Hàng trăm công nhân khuyết tật đã được chị Quỳnh Nga giới thiệu công việc để kiếm thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.
Nhìn về tương lai, chị Quỳnh Nga mong muốn mình có đủ sức, đủ kiên trì để tiếp tục công việc của mình. Chị đau đáu một niềm tin rằng mô hình Hợp tác xã sẽ ngày càng được mở rộng, giúp nhiều người có hoàn cảnh kém may mắn hơn nữa. Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ như một lời động viên, góp phần nhỏ giúp chị tự tin hơn trên hành trình nhân văn ấy.
Với ý chí và nghị lực phi thường, chị Đinh Thị Quỳnh Nga đã tạo nên những điều kỳ diệu không chỉ cho cuộc sống của mình mà còn thắp sáng ước mơ cho rất nhiều những người cùng cảnh ngộ.
Câu chuyện truyền cảm hứng của chị Quỳnh Nga, hành trình vươn lên vượt qua số phận và chia sẻ yêu thương, tất cả sẽ được kể trong "Trạm yêu thương", chủ đề “Hành trình miệt mài”, phát sóng 10h thứ Bảy ngày 22/6 trên kênh VTV1.