Trong đại dịch càng thêm yêu Hà Nội ân tình - Bài 2: Bầu không khí thấm đẫm tình nhân ái
Trong đại dịch càng thêm yêu Hà Nội ân tình - Bài 1: Chính sách nhân văn, vì dân là trên hết |
Ăn miếng thịt nghĩ đến người “cầm cự” mì tôm cả tháng
Những ngày tháng 8 vừa qua, trời còn nóng như đổ lửa, cứ đến ngày được đi chợ theo phiếu, chị Phương (ở Long Biên, Hà Nội) lại dắt chiếc xe máy của mình ra. Sức yếu, bình thường chị chỉ đi một mình, con cái cũng không dám chở đi học, tất cả nhờ chồng, thế mà những ngày này, chị gồng mình chất một xe nặng toàn rau củ quả, thức ăn. Một phần để gia đình dùng, một phần chị mang đến những gia đình nghèo trong xóm trọ cách nhà tầm 1km.
Chị tâm sự: “Mỗi bữa, ngồi xuống mâm cơm, gắp miếng thịt lên, cứ nghĩ đến những người phải ăn mì tôm “không người lái” cả tháng trời nay, tôi thực sự không cầm được nước mắt. Tranh thủ mỗi lần đi chợ tôi mang đến một vài gia đình, lúc thì chục trứng, lúc thì cân thịt, lúc hộp sữa cho mấy đứa trẻ con. Nhìn những ánh mắt sáng lên, tôi thấy nắng nôi mệt nhọc tan biến hết, lòng vui vẻ nhẹ nhõm vô cùng”.
Chị Phương kể, bình thường sáng đi làm tối về nhà, chị ít khi để ý đến những người quanh, đặc biệt là xóm trọ này. Khi giãn cách ở nhà, chị vào Zalo, thấy hiện lên các điểm đỏ cần hỗ trợ, thấy gần nhà mình nên ban đầu chỉ là tò mò đến xem thử ra sao, rồi xót thương thật sự. Có những nhà ông bà chỉ tầm ngoài 50 tuổi đi rửa bát, bốc vác thuê, giờ không có việc, chút vốn dành dụm được giờ trả tiền thuê nhà, tiền nước tiền điện đã gần hết, đành có gì ăn nấy.
Cô con gái nhà họ tầm 20 tuổi mà nhỏ bé gầy gò chả hiểu bị kẻ xấu nào làm hại đẻ ra một đứa trẻ tầm hơn một tuổi, thiếu ăn thiếu mặc, nhếch nhác, tội nghiệp lắm. Chị Phương cung cấp gạo, thịt, trứng, sữa cho nhà họ, tuy không nhiều bởi chị còn giúp những người đi làm thuê mất việc khác nhưng cũng đủ để họ khỏi phải ăn mì tôm từ ngày này qua ngày khác.
Người dân đến nhận thực phẩm miễn phí do Hoa khôi ảnh Vũ Thu Trà My tổ chức |
Anh Đức từng kể bị vợ mắng vì “tội” lén lút đi giúp những người lao động ở gầm cầu Long Biên vì không đủ tiền ở trọ cũng không thể về quê vì dịch bệnh. “Mắng” không phải là vì anh mang tiền nhà đi cho người khác, mà vì không nói để chị mua thêm ít đồ ăn như bánh mì, thực phẩm đã qua chế biến để họ ăn trong điều kiện không có bếp, có nồi.
Anh Đức chia sẻ, ngày thường thấy vợ mình lắm lời, từ nhỏ sinh ra đã đầy đủ, tưởng rằng chị không biết thương xót, thông cảm với hoàn cảnh người khác. Ai ngờ, lòng trắc ẩn vốn luôn có sẵn trong mỗi người, thường ngày không bộc lộ ra, chỉ đến khi khó khăn mới thấy tấm lòng ấy vẫn luôn rộng mở. Kinh tế khá giả nên sau “sự cố” hiểu lầm ấy, hai vợ chồng “đồng tâm hiệp lực” tích cực tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn xung quanh để giúp họ lúc thì tiền, khi thì gạo để người nghèo có thêm động lực vượt qua những ngày tháng gian nan này.
Trong khi đó, các nghệ sĩ như Jennifer Phạm, Đường Tấn Phong, Hoa khôi ảnh Vũ Thu Trà My, nhiều ca sĩ, người nổi tiếng khác cùng các mạnh thường quân… cũng trực tiếp nấu cơm gửi các bác sĩ tuyến đầu, phát quà cho người lao động nghèo, mở các điểm phát thực phẩm miễn phí cho ai khó khăn, thiếu thốn thì đến lấy. Các nghệ sĩ cũng đã đến để tặng quà các hộ dân khó khăn trong vùng phong tỏa để phục vụ yêu cầu chống dịch, các công nhân, đặc biệt lao động tự do, sinh viên các tỉnh đang mắc kẹt tại Hà Nội, chưa về quê được trong đợt này…
Giúp người cũng là giúp mình
Đó là tâm sự của chị Hoa (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chị chia sẻ hết sức chân tình: “Đừng tưởng cho đi là không nhận về. Giúp người khác bao gạo, cân thịt, mấy chục quả trứng hay vài trăm ngàn đồng là mình đã nhận về niềm vui rồi đấy chứ”. Là người kinh doanh tương đối thành đạt, phải đóng cửa ở nhà trong những ngày giãn cách, chị Hoa buồn bực lắm chứ.
Dù vậy, điều này cần thiết để chống dịch nên chị vui vẻ chấp hành. Thuộc tuýp phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, ưa hoạt động, những ngày ở nhà với chị Hoa khá tẻ nhạt và thụ động. Chính vì thế, tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn thực sự, xác định họ cần trợ giúp thật chứ không phải lừa đảo cũng là một cách để chị tiêu tốn thời gian vào việc có ích.
Thông qua cách sàng lọc các hoàn cảnh đặc biệt, chị Hoa cũng cho biết mình có thêm được kinh nghiệm nhìn người, đối nhân xử thế và có thêm những kinh nghiệm để áp dụng vào thương trường mà mình đối mặt sau khi cuộc sống bình thường trở lại.
“Nếu không có các hoạt động từ thiện, tìm hiểu về cuộc sống muôn màu với biết bao hoàn cảnh không giống nhau kia thì chắc hẳn những ngày nghỉ dịch của tôi sẽ không trôi qua nhanh chóng và nhẹ nhàng thế. Mỗi người có cách trải qua mùa dịch khác nhau và với tôi, giúp người khác cũng chính là giúp mình”, chị Hoa chiêm nghiệm.
Còn với anh Lâm (ở quận Đống Đa, Hà Nội), việc làm thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo những tháng ngày vừa qua là một cách để anh nhìn rõ hơn những gì mình đang có. Hóa ra, cuộc sống của anh khá tốt đẹp, hoàn hảo so với bao nhiêu người khác. Vì anh có việc để làm, có tiền để tiêu, có một ngôi nhà để đi về lúc nắng mưa, trú ngụ khi dịch bệnh, có sức khỏe để làm việc, như thế đã là quá mĩ mãn rồi.
Cán bộ, chiến sĩ Nhà hát CAND chuẩn bị và vận chuyển quà tặng người dân khó khăn trong vùng phong tỏa để chống dịch |
Cảm nhận thật hơn giá trị cuộc sống mình đang được hưởng, làm cho nó ấm áp, thấm đẫm tình người, đó là việc mà nhiều người Hà Nội như anh Lâm, chị Phương, chị Hoa, anh Đức… đã và đang làm thời gian qua. Còn rất nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi hoặc tự bỏ tiền túi ra hỗ trợ những người xung quanh mà có lẽ báo chí, các kênh truyền thông, mạng xã hội đăng tải một phần chứ không thể kể hết những trường hợp, những tấm lòng của họ.
Mỗi một phần quà, một gói lương thực, thực phẩm không chỉ cứu đói, giúp vượt qua khó khăn mà còn chứa đựng cả tình người, sự quan tâm, sẻ chia, san sẻ, thông cảm trong đó của những người Hà Nội với nhau. Chính bởi vậy, dù các hàng rào phong tỏa có được dựng lên, nhiều ngõ phố bế quan tỏa cảng, nhiều chốt chặn hạn chế người qua lại nhưng bầu không khí của Hà Nội không hề ngột ngạt mà thoáng đãng, thấm đẫm tình thương mến giữa con người với nhau.
Không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những nguyên nhân tạo nên thành quả chống dịch cho Hà Nội. Nghĩa đồng bào, tình tương thân tương ái đã viết thành bài ca kết đoàn để một lần nữa người Hà Nội lại cùng nắm chặt tay, đan thành khối sức mạnh vô hình nhưng vô cùng bền chặt để vượt qua sóng gió, thử thách.
Vì lẽ đó, chúng ta tin tưởng rằng, trong dòng máu mỗi người Hà Nội đều được di truyền những “hồng cầu sẻ chia”. Ngày nay chúng ta thừa hưởng của cha ông để lại, viết tiếp bài ca của thế hệ mình, cũng là cách để làm gương và truyền lại cho con cháu mai sau.
(Còn nữa)