Truyền thống gia đình hun đúc ý chí cách mạng người cộng sản kiên trung Nguyễn Ngọc Vũ
Vinh dự, tự hào khi được vào vai đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ Ngọn lửa cách mạng trường tồn qua tấm gương người thanh niên xuất sắc Nguyễn Ngọc Vũ NSƯT Cao Ngọc Ánh và những "ngọn lửa" từ tình yêu Hà Nội |
Ông ngoại chị Cao Ngọc Ánh là em trai út của ông Nguyễn Ngọc Vũ. Thế hệ cha ông của chị như ông Nguyễn Ngọc Vũ mà danh thơm của đồng chí đã trở thành tên đường, tên phố, thành một phần Thủ đô Hà Nội.
Trong lịch sử, câu chuyện về người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Ngọc Vũ đã được đã lưu trong nhiều tài liệu. Là con cháu trong nhà, chị còn được trao lại những ghi chép về ông Vũ từ chính ông ngoại và mẹ mình.
![]() |
NSƯT Cao Ngọc Ánh là đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy Hà Nội (1930 - 1932) tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “95 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử (17/3/1930 - 17/3/2025)” |
Mẹ chị là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Mai Hương - người hiện nay chăm lo việc hương hỏa cho ông Vũ tại tư gia và phần mộ ở Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Càng đọc, càng hiểu, càng xúc động với những hy sinh của ông, vì lý tưởng, vì ánh sáng tương lai mà ông Vũ và thế hệ ông đã dành cho đất nước, dành cho Hà Nội.
Tinh thần dân tộc và ngọn lửa cách mạng được hun đúc từ nền tảng gia đình
Ông Nguyễn Ngọc Vũ sinh năm 1908 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Hà Nội. Ông là con trai đầu lòng của ông Nguyễn Ngọc Toản và bà Đàm Thị Lan. Ông Toản có tác phong sống, nếp suy nghĩ, cách dạy dỗ giáo dục con cháu và quản lý gia đình theo tam cương, ngũ thường rất nề nếp. Bởi dòng họ Nguyễn Ngọc ở thôn Cựu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương theo Nho giáo.
Tổ phụ là ông Nguyễn Ngọc Kim (1831 - 1901), một người yêu nước đã có nhiều hành động dũng cảm bất chấp nguy hiểm để bảo vệ danh dự cho Hà Nội. Năm 1882, khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ 2, các quan lại dưới quyền của Tổng đốc Hoàng Diệu đã bỏ chạy hết. Tổng đốc Hoàng Diệu khi ấy thà chết không sa vào tay giặc đã tuẫn tiết, xác của người nằm đó không ai dám liều lĩnh chăm sóc mai táng.
![]() |
NSƯT Cao Ngọc Ánh phát biểu tại hội thảo |
Cảm kích trước tấm gương trung liệt bất khuất của vị Tổng đốc, cụ Ngọc Kim đã đứng ra tổ chức chôn cất chu đáo cho Ttổng đốc Hoàng Diệu tại vườn dinh đốc học (sau ga Hàng Cỏ ngày nay). Ông căm thù giặc Pháp xâm lược, uất hận vì sự đầu hàng hèn nhát của triều đình Huế. Cụ Nguyễn Ngọc Kim đã cho con gái yêu của mình cùng với con rể theo nghĩa quân.
Mặc dù biết chống Pháp lành ít dữ nhiều nhưng cảm nhận được nghĩa khí, ý chí quyết tâm lớn lao của con, ông không ngăn cản mà chỉ lo lắng giấu trong lòng đồng thời xác định sẽ cùng con đương đầu và gánh chịu hậu quả. Hưởng ứng hịch Cần Vương cùng đề đốc Nguyễn Thiện Thuật, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy tại Hưng Yên đã nổ ra.
Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng đã gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Cả con gái ông và chồng là Nguyễn Nhuận đều bị bắt và hành quyết dã man. Ngay sau đó, Pháp quản thúc cụ Kim vô cùng chặt chẽ và tịch thu tài sản. Từ đó, cả đại gia đình bị ảnh hưởng nặng nề về công việc kinh doanh và tài chính dần cạn kiệt.
Người con gái của ông tên Nguyễn Thị Bá, sau này trở thành nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên với tên gọi Nguyễn Thị Khuê, một cuốn sách mô tả phong trào chống giặc Pháp xâm lược hết sức quyết liệt của người Hà Nội.
Cụ Kim về cõi vĩnh hằng năm 1901. Lúc đó, ông Nguyễn Ngọc Toản là con thứ 5 của cụ đã 21 tuổi. Ông Toản không những chứng kiến mà còn có sự hiểu biết sâu sắc về những hành động cao cả của bố mình. Với tấm lòng vô cùng kính trọng và tự hào về bố, ông đã trao truyền lại cho dòng họ những câu chuyện về cuộc đời của cụ Kim để con cái tiếp bước hành trình yêu nước và lý tưởng giải phóng đất nước khỏi nô lệ.
![]() |
Hình tượng đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ trong vở nhạc kịch "Lửa từ Đất" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, NSƯT Cao Ngọc Ánh làm Tổng đạo diễn |
Năm 1908, cậu bé Nguyễn Ngọc Vũ - con trai đầu lòng của ông Toản ra đời, tiếp bước ông nội giác ngộ cách mạng từ rất sớm khi mới 17 tuổi. Ông Toản tuy rất chịu khó kinh doanh những mặt hàng truyền thống của Việt Nam như mở xưởng dệt vải, dệt khăn mặt, mở lò gốm làm bát nhưng không cạnh tranh nổi với hàng hóa của Pháp mang sang.
Khi con trai tham gia cách mạng, biết rõ con đường làm cách mạng đánh đuổi thực dân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước nhà là vô cùng gian khổ và nguy hiểm nhưng ông đã ủng hộ và cùng vợ là bà Đàm Thị Lan năm lần bảy lượt canh cho con và các đồng chí họp kín ngay trong ngôi nhà của mình.
Nhờ sự tiếp lửa của thầy mẹ nên năm 1927, khi Nguyễn Ngọc Vũ vừa tròn 19 tuổi đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tham dự các lớp tập huấn chính trị do Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội tổ chức.
Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “Vô sản hóa”, ông cùng nhiều hội viên thanh niên đã đi vào nhà máy, hầm mỏ say sưa lao động hoạt động cách mạng, tuyên truyền xây dựng cơ sở trong thanh niên học sinh, công nhân, nông dân. Bất kỳ công việc nào, dù khó khăn nguy hiểm đến mấy ông cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Khí tiết người chiến sĩ cộng sản và chân dung người mẹ Việt Nam quả cảm, kiên cường
Tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, liền sau đó Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội được tổ chức. 25 hội viên thanh niên hăng hái nhất được chọn lọc đưa vào Đảng đợt đầu trong đó có Nguyễn Ngọc Vũ, Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Phúc, Đặng Xuân Khu... Nguyễn Ngọc Vũ được chỉ định làm Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ kiêm Ủy viên Thành bộ Hà Nội.
![]() |
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung đấu tranh quyết liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc |
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, ngày 17/3/1930 Thành ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ được cử vào Ban Chấp hành lâm thời Thành ủy. Tháng 6/1930, Trung ương kiện toàn lại Thành ủy và quyết định đồng chí làm Bí thư chính thức.
Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng của Nhân dân Thủ đô; là kết quả trực tiếp của phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở Hà Nội trong những năm sôi sục của cuộc vận động thành lập Đảng; biểu hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng và đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội - thời kỳ có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản.
Với trách nhiệm Bí thư Thành ủy, đồng chí còn phụ trách công tác vận động nông dân và đặc trách công tác vận động quần chúng trong giới bồi bếp, hoạt động tuyên truyền mở rộng các tổ chức Đảng. Đồng chí làm việc với tinh thần không biết mệt mỏi ngày đêm lo lắng gây dựng cơ sở, tổ chức phong trào.
Ngôi nhà của ông bà Toản ở Khâm Thiên trở thành một trong những cơ sở bí mật của Thành ủy in truyền đơn, tài liệu bí mật của Đảng bộ. Đặc biệt phải nói đến bà Đàm Thị Lan là một người mẹ đặc trưng phụ nữ Việt Nam hiền hậu đảm đang, tháo vát lo toan cho chồng con. Bà xứng đáng là dâu con của gia đình có truyền thống yêu nước, hy sinh lợi ích cá nhân gia đình mình để cống hiến cho đất nước.
Bà đã theo sát từng bước chân của con trai. Tất cả các hoạt động của tổ chức cách mạng như in ấn truyền đơn các cuộc họp bí mật của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ và đồng đội đều được bà canh gác cẩn thận. Thậm chí trong nhiều trường hợp nguy cấp, bà còn nhanh trí, dũng cảm giải vây cho các đồng chí trốn thoát; bà nuôi ăn ở trong lúc kinh tế khó khăn không nề hà.
Ngày 6 tháng 12 năm 1930, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ bị bắt, biết đồng chí là Bí thư Thành ủy, kẻ thù đã tra tấn hết sức dã man. Dưới đòn thù ác hiểm, Nguyễn Ngọc Vũ đã chết đi, sống lại nhiều lần nhưng vẫn một lòng một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản. Bà Đàm Thị Lan xót thương con đến cháy ruột cháy gan thế nhưng không yếu đuối gục ngã mà vẫn bình tĩnh, tỉnh táo tiếp tục kiên cường hành động để cứu con.
![]() |
Hàng ngày, bà nấu cháo hầm xương, nấu súp thịt, tối đổ vào chai và tìm cách tiếp tế cho con. Bà khéo léo nhờ cậy được sự giúp đỡ của những người cai tù có tấm lòng cảm thương đã giúp cải trang tiếp cận được đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ. Nhờ vậy mà bà đã chăm sóc được cho con phần nào đỡ đuối sức nhưng quan trọng hơn cả là đã an ủi động viên, tiếp thêm sức mạnh cho con giữ vững ý chí dù kẻ thù có độc ác đến đâu thì hy sinh chứ không chịu khuất phục.
Ngày 28/9/1931, tại Hà Nội, Hội đồng đề hình đã mở phiên tòa xử 17 tù cộng sản, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ bị kết án 20 năm tù khổ sai. Với chế độ nhà tù khắc nghiệt và bị tra tấn hết sức dã man, đầu năm 1932, Nguyễn Ngọc Vũ đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Khi đó, đồng chí mới tròn 24 tuổi...
Con trai cả ra đi chưa đầy 4 năm thì ông Toản cũng qua đời khi mới 56 tuổi. Đau thương chồng chất đau thương, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà Đàm Thị Lan. Một mình chăm lo cho 3 đứa con trong thiếu thốn, khó khăn nhưng với bản tính chịu thương, chịu khó cộng với nghị lực phi thường, sự thông minh, tháo vát của người phụ nữ Việt Nam vốn có và trên hết là tình yêu thương các con vô bờ bến, bà đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, nuôi các con khỏe mạnh khôn lớn, được học hành đến nơi đến chốn và tiếp tục tiếp nối truyền thống dòng họ Nguyễn Ngọc đóng góp công sức phụng sự Tổ quốc.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa

"Nguyệt Vũ" - khơi mở cánh cửa tri thức cho trẻ em vùng cao

Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

Mùa loa kèn gọi nắng hè về
