Việt Nam khẳng định vị thế, tầm quan trọng của lực lượng lao động có kỹ năng nghề
Kỹ năng nghề là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động
Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao, còn phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các "luật chơi" chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới.
Nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng |
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Tấn Dũng cho rằng: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ở những quốc gia có năng suất lao động cao, lực lượng lao động nhất thiết cần có kỹ năng nghề cao và thái độ, động lực làm việc tích cực. Ngày nay, kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu”.
Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng. Vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.
Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào, khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Việt Nam khẳng định vị thế, tầm quan trọng của lực lượng lao động có kỹ năng nghề |
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) nhấn mạnh: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, một trong các thách thức không nhỏ của chúng ta là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp (26,2%) so với các nước trong khu vực và thế giới. cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo...)”.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang phản ánh việc thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là trong các ngành sản xuất, công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI luôn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động.
“Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nhấn mạnh: Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiều giải pháp đặt ra thì việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong các giải pháp đặc biệt quan trọng”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Việt Nam giành được hai huy chương bạc trong kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (Word Skills 2022) |
Trong năm 2022, chất lượng và hiệu quả giáo dục dạy nghề từng bước được nâng cao. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đặc biệt một số nghề tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%.
Ở một số nghề (nghề Hàn, Cơ - điện tử, Viễn thông, Logistic, Du lịch, Dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đã đạt thứ hạng cao. Năm 2022, Việt Nam giành được hai huy chương bạc trong kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (Word Skills). Tính đến thời điểm này, đây là thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới.
Năm 2019, đoàn Việt Nam đã đoạt một huy chương Bạc. Những năm trước, đoàn Việt Nam đoạt huy chương đồng và chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới.
Hết cảnh “thừa thầy thiếu thợ”
Nhiều năm trước, câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ” luôn trở thành tâm điểm khi nhiều cử nhân, thạc sĩ đăng ký học lại trung cấp, cao đẳng nghề vì thất nghiệp.
Tấm bằng đại học không còn là tấm vé thông hành cho các cử nhân khi thị trường lao động đang bị bão hòa bởi số lượng lớn lao động có bằng đại học và sau đại học không đáp ứng được nhu cầu về năng lực.
Trong khi đó, những ứng viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề với lợi thế về kiến thức cũng như kỹ năng được đào tạo bài bản đang có những cơ hội lớn trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội và phát triển nghề nghiệp.
Khi bằng cấp đại học hiện nay đã không còn là con át chủ bài giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Chính những kỹ năng, thái độ làm việc sẽ giúp ứng viên dễ dàng có được cái gật đầu của các chuyên gia “săn đầu người”.
Các mô hình thiết bị đào tạo tự làm tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022 |
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) nhận định thời gian gần đây tâm lý của học sinh và phụ huynh về lựa chọn nghề nghiệp cũng đã có sự thay đổi rõ nét. Thay vì đổ xô vào chọn đại học, nhiều học sinh, phụ huynh đã tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn cánh cửa bước vào tương lai.
Thêm vào đó, trong năm 2022, công tác dạy nghề ngày càng đi vào chiều sâu với sự đầu tư bài bản về công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong thực hành và tuyển sinh, kết nối cung cầu để tạo đầu ra cho học viên…
Việc phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo cũng đã đi vào chiều sâu khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản đề nghị các trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến doanh nghiệp thực hành, thực tập và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (Công văn số 304/TCGDNN-ĐTCQ).
Qua đó hướng dẫn các trường lựa chọn doanh nghiệp đối tác có các điều kiện phù hợp về nhu cầu sử dụng lao động, ngành nghề, địa điểm sản xuất, kinh doanh và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho việc thực hành, thực tập để phối hợp liên kết đào tạo, đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến thực hành, thực tập theo hình thức vừa học, vừa làm.