Việt Nam không ngừng nỗ lực bảo đảm quyền con người trong mọi hoàn cảnh
Cách đây 73 năm, ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền. Đây là văn bản mang tính tiền đề quan trọng khi các quốc gia thuộc Liên hợp quốc khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, đã quyết định thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và xây dựng những điều kiện sống tốt hơn trong sự tự do rộng lớn hơn.
Ngay tại Điều 1 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ghi rõ rằng “Mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền và nhân phẩm”. Do đó, Liên hợp quốc tin rằng các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử là trọng tâm của nhân quyền.
Trong suốt những năm vừa qua, vấn đề nhân quyền, đặc biệt là vấn đề bình đẳng được các quốc gia đề cao và có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, 2 năm qua, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng lại bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết.
Nhiều chuyên gia nhận định, COVID-19 đã tác động mạnh tới những tiến bộ đã đạt được trong bình đẳng giới trong nhiều năm qua. Nhiều người trên khắp thế giới chịu cảnh bất bình đẳng, bất công nghiêm trọng, vi phạm đến những quyền cơ bản của con người ngay cả quyền sống, đặc biệt tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhóm đối tượng dễ bị chịu tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, Việt Nam đã tổ chức hàng trăm chuyến bay để đưa công dân về nước an toàn |
Theo ghi nhận của UNESCO, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới tại 192 quốc gia. Một năm sau đại dịch, gần 50% học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa. Ngay kể cả chuyển sang chế độ học trực tuyến, không phải trẻ em nào cũng được tiếp cận đầy đủ các trang thiết bị điện tử và Internet để phục vụ cho việc học tập.
Mới đây nhất, ngày 22/11, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đưa ra cảnh báo, đại dịch COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, trong đó phụ nữ và người di cư là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
IFRC nhấn mạnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã gây ra những tác động không đồng đều đối với những nhóm người dễ bị tổn thương. Theo đó, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người rơi vào cảnh mất việc làm và thu nhập. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, cản trở việc tiếp cận giáo dục và các biện pháp phòng, chống bạo lực trong khi làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo báo cáo của IFRC, trên khắp thế giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Họ có nhiều nguy cơ bị mất việc hơn so với nam giới, một phần vì họ thường làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp hạn chế phòng dịch như du lịch. Báo cáo cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa đã làm gia tăng đáng kể nạn bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
Tại Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ đã được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - trước khi Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp sau này, từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Việt Nam được bầu làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009) và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.
Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, Đảng và Nhà nước không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi |
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mặc dù Việt Nam là một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp, tuy nhiên đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và hơn thế nữa, đảm bảo tốt quyền con người cho Nhân dân và cả người nước ngoài ở Việt Nam.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược nào để đối phó với COVID-19 thì với quan điểm “vì dân”, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng Nhân dân.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, Đảng và Nhà nước không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi. Một mặt, các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực. Mặt khác, hưởng ứng sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, một phong trào tương thân tương ái đã bùng lên rộng khắp cả nước. Những thuật ngữ mới xuất hiện mà đi thẳng vào truyền thông quốc tế như “ATM gạo”, “Cửa hàng 0 đồng” đã làm cho cả thế giới thán phục với tinh thần và tấm lòng người Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu và hàng không thế giới gần như không hoạt động vì dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực tổ chức gần 200 chuyến bay, đưa khoảng 60.000 công dân Việt Nam, thuộc các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chuyến bay của các quốc gia đưa người nước ngoài ở Việt Nam về nước.
Các nỗ lực này không chỉ thể hiện việc bảo đảm quyền tự do đi lại cho mỗi con người trong điều kiện đầy thách thức, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với những người con xa xứ và với người nước ngoài ở Việt Nam. Các chuyến bay nhân văn này còn thế hiện tầm vóc, vị thế Việt Nam, nhân lên lòng tự hào, niềm tin vào đất nước, vào Đảng ta.
Những thành tựu đạt được trong công cuộc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam xuất phát trước hết từ truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; Từ ý chí, nguyện vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam và sự cố gắng, nỗ lực và chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, hướng tới một xã hội luôn đặt con người ở trung tâm của sự phát triển và một nhà nước pháp quyền “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.