Vừa học phổ thông, vừa học nghề nhiều học sinh Hà Nội sớm có việc làm
Phụ huynh “băn khoăn” chọn trường nghề
Công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh vào học nghề của thành phố Hà Nội trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực; Tỉ lệ học sinh học tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT đăng ký vào học nghề tăng lên.
Vài năm trước đây, phụ huynh còn băn khoăn khi cho con vào học tường nghề nhưng giờ vào học trường nghề là lựa chọn ưu tiên cho rất nhiều học sinh và các bậc phụ huynh; Rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học lại quay lại học nghề. Bởi học nghề đã cho các em cơ hội "Học nghề - Lập nghiệp - Vững bước tương lai".
Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho các em học sinh |
Trong khi đó, việc chọn không đúng nghề sẽ là một sự lãng phí, không chỉ cho học sinh mà còn cho nguồn lực của xã hội.
Quan trọng hơn là con em không tìm thấy mục tiêu rõ ràng của cơ hội việc làm va sự hấp dẫn đam mê của ngành nghề theo học nên quá trình đào tạo không thể phát huy được khả năng, thời gian và tuổi trẻ bị lãng phí không thể quay trở lại được.
Chính vì vậy, việc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho phụ huynh và học sinh để chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và đam mê là rất cần thiết.
Anh Nguyễn Văn Huy (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết “Trước đây, tôi cũng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Tôi phải lăn lộn ngoài cuộc sống đi làm thuê với đủ nghề. Đến nay, khi con tôi vào độ tuổi như tôi trước kia, tôi cũng băn khoăn giữa việc lựa chọn cho con tiếp tục học đại học hay học nghề.
Bởi tôi thấy, con hiện không hứng thú với việc học văn hóa và mong muốn được đi làm sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, trải qua quá trình làm thợ, làm nghề ở môi trường lao động tự do, tôi nhìn thấy rất nhiều điều hạn chế như: công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, môi trường và điều kiện làm việc không được tốt, thậm chí khắc nghiệt và không có các chế độ về bảo hiểm, tai nạn nghề nghiệp...
Vì vậy, tôi đã chia sẻ với con tôi cũng như các cháu đang có dự tính học nghề là nên chọn những cơ sở đào tạo, trường nghề có uy tín để được học từ căn bản, có được nền tảng kiến thức vững chắc để sau này học nâng cao. Điều quan trọng là khi ra trường được làm trong những môi trường có điều kiện làm việc tốt.
Cuộc sống người chọn nghề này, người chọn làm nghề khác hỗ trợ nhau cho xã hội cân bằng. Lao động trí óc hay lao động tay chân, làm nghề gì tôi nghĩ miễn lương thiện, chân chính, có đạo đức thì là công dân có ích cho xã hội”.
Mục tiêu năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%
Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 thì công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, đầu tư nhiều hơn.
Thưc hiện Chương trình số 06-CTr/TU, để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng hóa loại hình đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, tăng nhanh lực lượng lao động qua đào tạo nghề có kỹ năng nghề nghiệp, có kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp.
Học sinh tham khảo các chương trình hướng nghiệp |
Cùng với đó là sự chủ động phối hợp với các trường phổ thông tổ chức tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp.
Thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh giáo dục phổ thông bằng nhiều biện pháp cụ thể, căn cơ giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp. Nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng cao; Tạo sự đồng thuận, vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách đào tạo nghề góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0.
Nhờ các công tác hướng nghiệp cho học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố tăng dần qua từng năm.
Những năm gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Sở về phát triển giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động.
Bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: “Trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2022 đạt 72,23%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng 1,13 %, so với năm 2021".
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 10/3/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội.
Kế hoạch số 84/KH-UBND đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hà Nội có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%; Trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%; Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.