Xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm OCOP
Nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP
Được sự quan tâm của thành phố Hà Nội và nỗ lực của các chủ thể tham gia chương trình OCOP, đến nay thị xã Sơn Tây có 78 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Trong số đó, có nhiều sản phẩm truyền thống có tiềm năng OCOP như kẹo lạc, kẹo vừng của xã Đường Lâm; Miến dong xã Cổ Đông; Chả cá, trà hoa cúc xã Sơn Đông; Mật ong xã Kim Sơn; Dưa và rau các loại phường Viên Sơn; Bánh tẻ Phú Nhi của phường Phú Thịnh và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác…
Có được kết quả trên do thời gian qua thị xã đã chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện chương trình. Đồng thời, thị xã cũng chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho người lao động; Tháo gỡ khó khăn cho các hộ về con giống, cây giống, vật tư phục vụ sản xuất.
Thị xã Sơn Tây vừa mở điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP ở cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm) |
Đặc biệt, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã đẩy mạnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; Phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa… Mới đây, thị xã cũng mở một điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP ở cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm).
Tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), hiện có hàng chục hộ nuôi ong với hơn 4.000 đàn, sản lượng mật đạt 35.000 - 40.000 lít/năm. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Sơn Nguyễn Xuân Quyền cho biết: Các hộ nuôi ong trên địa bàn xã đã thành lập Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Ngoài nguồn thu từ khai thác mật, các hộ gia đình còn nhân đàn bán ong giống, bán phấn hoa... mang lại nguồn thu nhập ổn định 150 - 800 triệu đồng/hộ/năm. Khai thác tốt lợi thế, chính quyền địa phương đã chọn mật ong Kim Sơn để hỗ trợ phát triển trong Chương trình OCOP.
Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính cho biết: Với sản phẩm mật ong, địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn”; Hỗ trợ tem nhãn cho sản phẩm; Tập huấn, hướng dẫn các hộ nuôi ong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm; Mở rộng nghề nuôi ong, nhất là cho các hộ còn khó khăn... Mật ong Kim Sơn đáp ứng tiêu chí được thành phố phân loại, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Thị xã có nhiều sản phẩm lợi thế, đặc trưng, nếu được hỗ trợ phát triển, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho các hộ dân. Để các mô hình đạt hiệu quả cao, thị xã đã chú trọng tuyên truyền về hiệu quả của Chương trình OCOP; Động viên các tổ chức, cá nhân phát huy ý tưởng sáng tạo, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình từ việc thực hiện Chương trình OCOP.
Thị xã Sơn Tây cũng đặt ra mục tiêu, phấn đấu từ nay đến năm 2025, thị xã sẽ đánh giá, phân hạng 120 sản phẩm, trong đó gồm: 90 sản phẩm mới; 30 sản phẩm đánh giá lại (do hết hạn giấy chứng nhận đạt 3 sao trở lên); 35 - 40 sản phẩm đạt 4 sao, một sản phẩm đạt 5 sao và ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đăng ký dự thi nâng hạng 4 sao, 5 sao.
Thị xã Sơn Tây có nhiều sản phẩm lợi thế, đặc trưng để phát triển sản phẩm OCOP |
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết: Thị xã sẽ tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, bởi chỉ khi sản phẩm tiêu thụ tốt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực thì mới thu hút được sự tham gia của các chủ thể.
Theo đó, thị xã sẽ tập trung xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân về ý nghĩa của Chương trình OCOP; Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoàn thiện cơ sở sản xuất kinh doanh để đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo tiêu chí OCOP.
Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất chuyên canh tập trung, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Đánh giá về công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại thị xã Sơn Tây, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội nhận xét: Thị xã Sơn Tây là một trong những địa phương của thành phố Hà Nội tiên phong thực hiện Chương trình OCOP. Với cách làm bài bản, sáng tạo, đến nay, Sơn Tây phát triển được nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Đây là kinh nghiệm hay của Sơn Tây để các địa phương khác của thành phố Hà Nội tham khảo khi triển khai Chương trình OCOP.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |