Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả
Tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, tình trạng thực phẩm, sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Các sản phẩm giả thường được sản xuất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, và chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Chỉ trong đầu năm 2025 đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố, điển hình như: Vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.
![]() |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Bộ Y tế |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh: "Tại sao đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn... vẫn xảy ra các vụ việc thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả và sữa giả?".
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Thủ tướng đã liên tục ban hành 3 công điện tăng cường thanh kiểm tra, xử lý, xử lý nghiêm các đối tượng vi pham liên quan sản xuất, tiêu thụ sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý thực phẩm chức năng, thuốc điều trị theo phân công.
Bộ Y tế tổ chức hội nghị để xem xét, đánh giá tình trạng, thực tế sản xuất, buôn bán, lưu thông, sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc trên địa bàn cả nước. Mục đích đưa ra giải pháp để làm sao trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ, bài bản hơn để siết chặt công tác quản lý từng khâu một, từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Về thể chế trong lĩnh vực quản lý thuốc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Việt Nam đã có luật Dược (2006), Quốc hội vừa thông qua Luật Dược sửa đổi (2024) có hiệu lực từ ngày 1/7), Bộ Y tế cũng được giao nhiệm vụ tham mưu Chính phủ ban hành 1 nghị định và 7 thông tư liên quan. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta có luật an toàn thực phẩm, nghị định hướng dẫn luật…
Thứ trưởng đặt câu hỏi tại sao Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, của cơ quan quản lý chuyên môn, của các Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp… mà vẫn xảy ra các vụ việc như vừa rồi. Các vụ việc này đã và đang được cơ quan điều tra của Bộ Công an và công an một số tỉnh thụ lý điều tra làm rõ sai phạm theo quy định.
Vì thế, Thứ trưởng yêu cầu rà soát lại xem về thể chế có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì để các văn bản chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện.
"Về tổ chức thực hiện, trách nhiệm là của các địa phương. Các tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuốc, an toàn thực phẩm trên địa bàn như thế nào mà để xảy ra những vụ việc như vừa qua. Việc phân cấp, phân quyền đã được quy định rõ, trách nhiệm của các bộ, UBND các tỉnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, buôn bán, lưu thông, thuốc, thực phẩm chức năng…", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Xử lý triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả
Báo cáo của Cục Quản lý Dược tại hội nghị cho thấy, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và đã đạt được nhiều tiến bộ (tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng giảm thấp).
Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để; còn có những vụ việc xảy ra như vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện vừa qua.
![]() |
Các điểm cầu tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ Y tế |
Triển khai công tác quản lý chất lượng, đấu tranh chống thuốc giả, Bộ Y tế cho biết, hàng năm, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đồng thời có các công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố về việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg:
Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành trong công tác phòng chống thuốc giả. Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, trong đó hai bộ sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình phức tạp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Các vụ việc bắt giữ thuốc giả trong năm 2023, 2024 đều có sự tham gia của ngành y tế (các vụ việc tại Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội).
Bộ Y tế đã tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả.
Đối với các trường hợp phát hiện các sản phẩm y tế được quảng cáo bất hợp pháp trên mạng internet, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa Thông tin, thể thao và du lịch để có biện pháp xử lý; có các văn bản gửi Bộ Công thương về việc quản lý kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử.
Tin liên quan
Đọc thêm

Vụ án sữa giả: Vì lợi nhuận mà bất chấp, rất đáng lên án

Một nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh có mặt hàng sữa giả

Cao Bằng: Thu giữ hơn 1 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ

Tiếp tục thanh kiểm tra, phát hiện sữa giả, thực phẩm chức năng giả

Đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo tồn các nghề ẩm thực truyền thống

Xử phạt BTV Quang Minh, MC Vân Hugo do vi phạm về quảng cáo

Kiểm tra đột xuất tại xưởng chế biến thực phẩm nhập khẩu

Ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm suất ăn của công nhân
