Chế độ ăn kiêng với trứng luộc mỗi ngày có tốt cho sức khoẻ?
Một tuần nên ăn mấy quả trứng?
Trứng luộc đang trở thành món ăn "kiêng" nhiều chị em phụ nữ rất ưa chuộng. Nhiều thực đơn ăn kiêng 7 ngày để giảm cân đều sử dụng món trứng luộc để thay 3 bữa mỗi ngày từ bữa sáng, bữa trưa đến bữa tối.
Chị Nguyễn Thu Hà (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Gia đình tôi rất thích ăn trứng, đây là loại thực phẩm có thể dễ dàng chế biến thành nhiều cách như trần tái trứng ăn với mì tôm, ốp la ăn với bánh mì, luộc, trộn sa lát…
Tôi cũng thường xuyên dùng món trứng luộc để ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn, trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và cần thiết nhưng ăn trứng hàng ngày như vậy có tốt không?".
Trứng luộc là món ăn kiêng giảm cân nhiều chị em ưa chuộng |
BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Tuy nhiên, để trả lời chính xác câu hỏi “một tuần nên ăn mấy quả trứng” thì cần dựa vào từng đối tượng khác nhau.
So với các nguồn cholesterol khác thì cholesterol trong trứng không mang lại những tác động tiêu cực cho cơ thể. Vì vậy, người trưởng thành có thể ăn 7 quả trứng mỗi tuần mà không cần lo ngại việc ảnh hưởng đến tim mạch.
Đồng thời, nếu chúng ta đang thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh cho tim thì có thể bổ sung tối đa 1 quả trứng mỗi ngày. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch hoặc đột quỵ.
Đối với người bệnh, ngoài việc điều trị thì chế độ ăn cũng là một phần quan trọng. Trong đó, mỗi một tình trạng sẽ có một chế độ khác nhau: Người bị tiểu đường type 2 chỉ nên ăn tối đa 1 quả trứng 1 ngày và 5 quả trứng 1 tuần.
Người bị tim mạch hoặc người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch có thể ăn 7 quả trứng 1 tuần nếu đang thực hiện chế độ ăn ít bão hoà; nếu thực hiện chế độ ăn bình thường thì chỉ nên tiêu thụ 3 - 4 quả trứng mỗi tuần và không ăn quá 4 lòng đỏ.
Người có chỉ số cholesterol LDL cao nên ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày và 7 quả trứng mỗi tuần nhưng tốt nhất chỉ nên ăn tối đa 4 quả mỗi tuần. Người mắc hội chứng chuyển hoá nếu thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hoà thì chỉ nên ăn tối đa 6 quả trứng mỗi tuần.
Trứng là nguồn cung cấp các loại dưỡng chất tốt cho cơ thể, có thể đáp ứng nhu cầu của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Đối với thai phụ khỏe mạnh, có thể ăn 3 - 4 quả trứng mỗi tuần. Còn đối với mẹ bầu mắc tiểu đường hoặc các vấn đề về thai kỳ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết một tuần nên ăn mấy quả trứng.
Trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi chỉ nên ăn nửa lòng đỏ trứng gà, mỗi tuần ăn 2 - 3 bữa. Trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi chỉ nên hấp thụ 1 lòng đỏ trong một bữa, một tuần ăn không quá 4 lòng đỏ. Trẻ từ 1 - 2 tuổi mỗi tuần có thể ăn 3 - 4 quả trứng. Trẻ trên 2 tuổi có thể ăn tùy theo sở thích của trẻ nhưng chỉ nên ăn tối đa mỗi ngày một quả.
Trứng sống, trứng đã chế biến để qua đêm có thể gây ngộ độc thực phẩm
BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Trứng là loại thực phẩm giàu protein, vitamin và các chất khoáng tốt cho cơ thể. Giá trị dinh dưỡng của trứng rất cao. Theo nghiên cứu, các thành phần dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở lòng đỏ trứng. Lòng trắng có chứa chủ yếu là nước, ngoài ra còn có khoảng 10% là đạm và chất khoáng.
Bên cạnh đó, lòng đỏ còn chứa các vitamin và chất khoáng như B1, B6, A, D, K và kẽm, đồng, mangan, iod… Với nguồn dưỡng chất đa dạng như trên có thể thấy là một loại thực phẩm cần thiết và cân đối dinh dưỡng cho cơ thể, phù hợp với nhiều đối tượng cả trẻ em và người già.
Với thành phần dinh dưỡng phong phú cùng những công dụng tuyệt vời như vậy nhưng ăn trứng thường xuyên hàng ngày không hề tốt cho sức khoẻ.
Trứng sống, trứng lòng đào, trứng đã chế biến để qua đêm có thể gây ngộ độc thực phẩm |
Bởi dựa vào bảng thành phần dinh dưỡng như trên thì ngoài việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể thì đồng thời trứng cũng đưa vào cơ thể một lượng Cholesterol khá lớn. Lượng Cholesterol cao có thể gây ra các ảnh hưởng đến cơ thể, đặc biệt là vấn đề về tim mạch.
Đặc biệt, tuy dễ chế biến nhưng việc sử dụng trứng cũng cần lưu ý, ví dụ như: Trước đó đã ăn trứng thì không nên uống trà vì protein của trứng kết hợp với axit tannic của trà sẽ gây khó tiêu; khi ăn trứng với đậu nành sẽ ngăn cản quá trình hấp thu các chất.
Mọi người chú ý không ăn trứng sống hoặc lòng đào vì có thể gây ngộ độc, nôn ói. Hơn nữa, nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Tuy nhiên, các bà nội trợ cần chú ý không nên luộc trứng quá chín vì sẽ làm mất dưỡng chất; không ăn trứng đã để qua đêm; không ăn trứng cùng thịt thỏ, quả hồng, óc heo; chiên trứng cùng với tỏi cũng là một phương pháp chế biến sai lầm; không sử dụng thuốc kháng viêm sau khi ăn trứng vì có thể ảnh hưởng dạ dày.