Bài 3: "Biến" di sản thành "vàng ròng" trong công nghiệp văn hóa
Bài 1: Đặt con người vào vị trí trung tâm Bài 2: Mang đến một không gian sống xanh và đậm nét văn hóa |
Thành phố di sản
Nội dung số 5 Kết luận 80 của Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội: "Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hoá phục vụ phát triển công nghiệp văn hoá như không gian Hoàng Thành Thăng Long kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa; không gian làng cổ Đường Lâm; không gian một số làng nghề truyền thống".
Hoàng Thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới |
Thủ đô Hà Nội là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Đây quả là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm đối với chính quyền, người dân Thủ đô. Làm thế nào để vừa gìn giữ, bảo tồn nhưng đồng thời cũng phát huy được giá trị của những di tích ấy trong đời sống hiện đại?
Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng |
Nhắc tới di sản Hà Nội là nhắc đến Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, chùa Trấn Quốc… Với kiến trúc độc đáo, bề dày lịch sử hàng trăm thậm chí cả nghìn năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, các di sản này là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tham quan Thủ đô. Bên cạnh đó, các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, múa rối nước, hát ca trù... đều là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc bên hồ Tây |
Trên góc độ di sản, các di tích, làng nghề truyền thống, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian đều hàm chứa những giá trị vô giá về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Việc bảo tồn những giá trị quý là trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như cộng đồng, không chỉ thể hiện sự trân trọng vốn quý cha ông để lại mà còn giáo dục truyền thống dân tộc, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Làng cổ Đường Lâm |
Song hành với bảo tồn, công tác phát huy giá trị di sản đặc biệt được coi trọng để quảng bá hình ảnh, lan tỏa các giá trị đến đông đảo người dân và du khách, trong đó du lịch là kênh truyền tải hiệu quả. Vì vậy, việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch luôn song hành cùng nhau, tương hỗ nhau trong phát triển.
Sáng tạo để thúc "gà đẻ trứng vàng"
Thực tế cho thấy, suốt bao nhiêu năm qua, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt điều này. Kết luận của Bộ Chính trị càng thúc đẩy quyết tâm và hành động của Hà Nội trong việc quy hoạch Thủ đô, sắp xếp, phân bố không gian hợp lý cho việc phát triển công nghiệp văn hóa với những ưu đãi đặc thù.
Tour đêm Văn Miếu lung linh sắc màu |
Năm 2022, Hà Nội quyết định dành 14.029 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích, giai đoạn 2021 - 2025, tạo ra luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích trên địa bàn Thủ đô. Đây là một trong ba lĩnh vực thành phố quan tâm đầu tư lớn ở giai đoạn này.
Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai bởi việc tu bổ, tôn tạo di tích không đơn thuần là một công trình xây dựng mà nó hàm chứa yếu tố văn hóa, tâm linh nên cần thận trọng. Với khối lượng công việc lớn, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo về công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích để tạo sự thống nhất chung, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Điều này vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc từ hàng trăm năm nay, vừa tạo động lực cho việc phát huy di sản, thu hút khách du lịch tới Thủ đô.
Ngược dòng thời gian với tour đêm Hoàng Thành Thăng Long |
Năm 2023 thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai các công việc liên quan thành Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long. Thành phố cũng làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao để triển khai những bước tiếp theo của năm 2024.
Trong năm 2024, đơn vị tập trung hoàn chỉnh hồ sơ “Báo cáo tình trạng bảo tồn Di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, nộp Trung tâm di sản thế giới vào ngày 1/2; thực hiện khởi công dự án Trưng bày Hoàng cung và hoàn thiện việc nhận bàn giao các hiện vật khảo cổ; giải quyết dứt điểm những khó khăn còn tồn đọng trong bàn giao mặt bằng ở 18 Hoàng Diệu, đồng thời chỉnh trang mặt bằng sau khi hoàn tất việc bàn giao...
Tri ân các anh hùng, liệt sỹ với tour đêm Nhà tù Hỏa Lò |
Đối với các dự án tại khu di tích Cổ Loa, thành phố đã có chỉ đạo và lộ trình cụ thể, trong đó sẽ triển khai Đề án truyền thông, quảng bá về 2 khu di sản, đặc biệt là việc phục dựng Chính điện Kính Thiên, đền thờ Đức vua Ngô Quyền trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế...
Các tour đêm Hoàng Thành, Văn Miếu, Nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm... vẫn thu hút đông đảo lượng khách. Thậm chí, có những địa điểm đã "cháy vé", phải đặt trước vài tháng mới đến lượt tham qua. Điều đó cho thấy cách làm hay, sáng tạo của các đơn vị đã lôi cuốn người dân đến với các di tích, di sản nhiều hơn. Nhịp sống huyền ảo, lung linh của các di tích về đêm mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng lý thú và muốn được trở lại nhiều lần.
Những không gian sáng tạo như Bảo tàng Gốm sứ tại Bát Tràng, Tết làng Việt, Phát studio ở Đường Lâm, cầu đi bộ Trần Nhật Duật... vẫn đang là những điểm nhấn đầy tâm huyết của những người "vì yêu mà đến" để đóng góp cho làng nghề Thủ đô trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa ngày nay.
Độc đáo trải nghiệm xem Vua Lê trả gươm báu trên sóng hồ Hoàn Kiếm |
Chúng ta còn nhớ, sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là một sự kiện vô cùng hoành tráng làm cả Hà Nội sôi động trong không khí tưng bừng, cuốn người dân Thủ đô và du khách khắp trong, ngoài nước vào mùa lễ hội náo nhiệt. Có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu.
Điều đó càng cho thấy những cách làm hay, những mô hình tốt sẽ thúc đẩy các di sản trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho công nghiệp văn hóa. Song, điều cần thiết nhất là cần kết nối các không gian di sản nên cần hơn nữa sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Trong khi đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ tạo thêm rất nhiều thuận lợi để những ý tưởng, dự định, hoạch định của Hà Nội trở thành hiện thực trong tương lai.