Bài 3: Phát thanh công nghệ phát huy sứ mệnh truyền tin đến từng ngõ, phố
Nhạc sĩ Đinh Phương Anh lan tỏa tình yêu âm nhạc qua sóng phát thanh |
Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở: Hiệu quả từ loa phường Bài 2: Loa phường - "cánh tay nối dài" đưa chính sách đến gần dân hơn |
Chị Nguyễn Hồng Phương thực hiện bản tin phát thanh loa phường theo công nghệ số
“Không có tiếng loa, tôi ngủ quên dậy!”
Đó là tâm sự rất vui của bác Lê Đình Hải (tổ dân phố số 20, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên) khi nói về tiếng loa phường buổi sáng hằng ngày.
Bác Hải chia sẻ: “Từ nhiều thập niên qua, loa phường in đậm dấu trong cuộc sống người dân Hà Nội với những buổi phát thanh định kỳ tiếp sóng Đài tiếng nói và những thông báo từ chính quyền cơ sở. Gần đây, một số người cho rằng, sự bùng nổ của Internet và các loại điện thoại, máy tính, tivi hiện đại thì vai trò của loa phường mờ đi, tiếng loa cũng làm phiền vì gây tiếng ồn. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả của loa phường đối với hoạt động thông tin sát thực, gần gũi đến với từng người dân thì tôi thấy hiện chưa có phương tiện nào thay thế hơn. Hơn nữa, giờ phát thanh cũng đã giảm lượng rất nhiều, mỗi ngày chỉ có hơn 10 phút thì việc gây tiếng ồn như một vài ý kiến là chưa đúng.
Còn nhớ tầm này năm ngoái, loa phường phát những thông tin về con số ca nhiễm COVID-19, cảnh báo những nơi đi, đến của ca bệnh, các ca đang điều trị ở phường; nhắc nhở các bước phòng chống dịch… Xung quanh tôi, mọi người đều lắng nghe. Có lần tôi còn nói với cô Phương, người hay đọc bản tin trên loa phường là: “Thứ 7, Chủ nhật không được nghe tiếng loa là tôi ngủ quên dậy. Tiếng loa buổi sáng hằng ngày như một phần trong sinh hoạt của khu dân phố chúng tôi rồi”.
Chị Nguyễn Thị Vinh, người dân phường Ngọc Thuỵ chia sẻ, chị đã từng “phi xe” lên phường để gặp cô Phương đọc bản tin trên loa khi vừa nghe được nội dung liên quan đến kỳ tuyển sinh vào lớp 6 ở các trường trên địa bàn. Chị Vinh cho biết: “Có con đang ở lứa tuổi này, nên vừa nghe thông tin thấy có ích là tôi muốn tìm văn bản chính thống để không bỏ lỡ cơ hội cho con. Cô Phương khi đó đã cung cấp cho tôi rất đầy đủ. Nay gia đình cũng đã cho con theo học ở ngôi trường như ý muốn”.
Anh Hoàng Đức Tùng, công chức văn hoá thông tin phường Ngọc Thuỵ trao đổi với chị Phương về chương trình phát thanh ngày mới |
Là người dân ở khu phố cổ Hà Nội, bác Nguyễn Trọng Kỷ, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) còn nhớ như in giọng đọc trên loa phường thời xưa. Đối với bác Kỷ, nếu xưa chỉ có 1 giọng đọc, rồi đường truyền khiến âm thanh không ổn định… thì nay có thể nghe được nhiều giọng đọc nam - nữ khác nhau.
Bác Kỷ tâm sự: “Nghe đâu, đó là do hệ thống loa bây giờ được sử dụng công nghệ hiện đại, áp dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển bản tin giấy sang giọng nói; Âm thanh cũng được truyền nhanh đến người nghe và ổn định hơn trước rất nhiều. Bây giờ thì không có chuyện mất sóng hay nhiễu sóng nữa… Nhiều người có dịp gặp tôi đều “chúc mừng” kiểu “bác Kỷ sướng nhé, loa phường bây giờ toàn tin mới, tin quan trọng, bác đỡ phải xuống tận nhà dân tuyên truyền năm lần bảy lượt mới gặp như trước nữa”. Tôi nghĩ có lẽ người dân cũng có cảm tình với loa phường… giống mình”.
Câu chuyện của bác Hải, chị Vinh hay bác Kỷ không còn quá xa lạ với chị Nguyễn Hồng Phương (người đọc bản tin và vận hành hệ thống loa phát thanh phường Ngọc Thuỵ), anh Phạm Hoàng Việt (công chức UBND phường Phan Chu Trinh "biến" văn bản thành giọng nói và vận hành hệ thống loa phường). Với những người làm nghề như chị Phương, anh Việt thì những câu chuyện tương tự như vậy còn rất nhiều trong cuộc sống, đủ để thấy rằng, người Hà Nội, người dân sinh sống ở mảnh đất Hà thành vẫn dành cho loa phường một tình cảm riêng, rất đặc biệt. Nay, tình cảm đó được nhân lên, rộng ra và phù hợp hơn với nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Loa phường ngày nay dường như mang sứ mệnh công nghệ hiện đại đến với người dân trên khắp địa bàn Hà Nội.
Quà tặng âm thanh từ tiếng loa phường
Theo tìm hiểu, hiện nay người Nhật không phá bỏ hệ thống loa phát thanh công cộng ngay cả khi hạ tầng về viễn thông và internet phát triển hiện đại. Hệ thống loa công cộng phát tín hiệu vào 5h chiều mỗi ngày với âm thanh ngắn. Người Nhật cho rằng, hệ thống loa này rất cần thiết đối với những thành phố, khu vực có nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường, những thông tin có tính cập nhật liên tục…
Điều này dường như khá “đồng điệu” với Hà Nội trong việc vận dụng hệ thống loa phường vào cuộc sống.
Chị Phương minh chứng hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số vào loa phường có thể kiểm soát được hệ thống loa đang phát, điều chỉnh âm lượng nhằm phục vụ người dân tốt hơn |
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: “Hiện trên địa bàn thành phố có 579 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn đang hoạt động. Loa phường đã và đang có vai trò thông tin tuyên truyền then chốt trong hệ thống thông tin cơ sở...”
Việc làm trên cũng là hành động tích cực thực hiện Kế hoạch số 200, ngày 21/7 mới đây của UBND TP Hà Nội. Kế hoạch này căn cứ trên Quyết định 135 ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước đó, Hà Nội đã triển khai hệ thống loa phường sử dụng công nghệ số ở quận Hoàn Kiếm (18 phường), quận Long Biên (14 phường), huyện Quốc Oai (1 xã), huyện Ứng Hoà (2 xã)
Thực tế trong quá trình trực tiếp làm việc, chị Hồng Phương là người nhận thấy được rõ nhất những ưu điểm của hệ thống loa sử dụng công nghệ thông tin.
Để có được buổi trò chuyện với chị Phương đúng khung giờ phát sóng buổi sáng, chúng tôi khá ngần ngại khi sợ làm ảnh hưởng đến công việc phát thanh thông tin chị. Tuy nhiên, chị Phương giọng vui mừng chia sẻ: "Không sao em ơi, giờ công nghệ số rồi, chị đã thu âm những nội dung văn bản từ trước, giờ chỉ click hẹn giờ là đúng 7h, đồng loạt các cụm loa được lắp trên địa bàn sẽ tự động phát nội dung đã cài đặt, không sai 1 giây”. Nói rồi, chị Phương nhanh tay click chuột để “hẹn giờ” phát thanh cho chúng tôi xem.
Chị Phương thu âm giọng đọc cho buổi phát thanh buổi sáng |
Trong lúc đang trao đổi với chúng tôi, tiếng loa phường vẫn phát những âm thanh trong, rõ ràng từ giọng đọc đã quá quen thuộc với người dân phường Ngọc Thụy.
Chị Phương kể: "Tôi có tuổi rồi, nên ban đầu bảo áp dụng công nghệ số để làm chương trình phát thanh trên loa mình ngại lắm. Tuy nhiên, tôi nghĩ, xã hội ngày càng hiện đại, nếu mình không bắt kịp sẽ không đáp ứng được công việc. Nghĩ vậy, tôi lại cùng anh em trong phường làm quen với cách phát thanh trên loa phường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Thú thật, trước kia để làm một bản tin nửa tiếng, phải cần đến 2 người, một người chỉnh máy ở ngoài, một người cứ đọc trong phòng cách âm; Có lúc, chỉnh đi, chỉnh lại, chạy ra khởi động máy rồi lại chạy vào cũng phải mất 2 - 3 tiếng. Như thế nhiều khi tin tức nguội, người dân chưa hào hứng nghe bản tin. Từ năm 2022, phường được trang bị hệ thống công nghệ thông tin, loa phường kiểu mới hiện đại hơn nhiều, chất lượng cũng vì thế mà tăng lên. Tôi nhiều khi không phải đến sớm, không lo phát thanh muộn nữa vì có thể hẹn đúng giờ phát. Hôm nào ốm, đau thì cũng đã có phần mềm biến văn bản thành giọng nói nên không sợ bị lạc giọng nữa…”
Đã làm quen với công việc phát thanh loa phường được nhiều năm, anh Hoàng Việt, công chức UBND phường Phan Chu Trinh chia sẻ: “Chưa bao giờ việc thực hiện các bản tin phát thanh lại nhanh chóng, chính xác, thuận tiện như bây giờ. Thực tế, loa phường công nghệ số được sử dụng trong các sự kiện lớn như thông tin tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp đem lại hiệu quả thiết thực. Các thông tin về đại biểu được cập nhật đầy đủ, rõ ràng… đáp ứng được nhu cầu quan tâm của người dân. Công suất của hệ thống loa mới lớn hơn loa trước đây nên thay vì 21 cụm loa dây nên giờ chỉ cần 5 cụm loa không dây cho 5 tổ dân phố nhưng thông tin vẫn được trải rộng khắp địa bàn.
Từ khi áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống phát thanh này, những tệp văn bản, file ghi âm tiếng động mà cần phát thanh đều được truyền đến nhóm zalo, mail… sau đó được phát trực tiếp theo đúng thời gian, cán bộ phường giảm được thời gian nói, đọc, tiếp xúc trực tiếp… Điều này cực kỳ hữu ích trong đợt cao điểm dịch COVID-19 vừa qua. Trước đây làm một chương trình như vậy phải có 2 người mới làm được, trong khi đó phải tuyển chọn người đọc cho phù hợp với khu vực dân cư. Phần mềm có nhiều giọng đọc đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt công việc này. Người dân cơ bản phấn khởi, thấy hệ thống loa công nghệ số hay hơn và rất được người dân ủng hộ".
Anh Đinh Sỹ Đạt - Phó Trưởng phòng Văn hoá thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chất lượng âm thanh trong rõ ràng, không nhại tiếng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết; việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho người thực hiện, hỗ trợ bản phát trực tiếp bất kỳ chỗ nào có mạng… là những ưu điểm mà công nghệ số đem lại được áp dụng hiệu quả trên hệ thống loa của 18/18 phường trong quận”.
Anh Nguyễn Hữu Thắng, Phó Trưởng phòng Văn hoá thông tin quận Long Biên thông tin thêm: Thời điểm cả nước căng mình chống dịch COVID-19, thời gian phục vụ bầu cử hay tuyển sinh… Đó là những lúc loa phường công nghệ số phát huy rõ nét vai trò. Hệ thống loa phường thông minh theo công nghệ mới sử dụng Internet làm môi trường truyền dẫn (sóng di động 3G/4G) đã giúp cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền tại các phường được thuận lợi, thao tác nhanh, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn.
(Còn nữa)