Bài 74: “Tam trụ” của tiến sĩ người Việt trẻ nhất Đại học Stanford
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập - Khát vọng vươn xa
Bài 73: “Bà đỡ” cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Bén duyên với công nghệ robot và AI
Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, anh cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế.
Kết thúc bậc học phổ thông ở Việt Nnam, Duy Thức theo học trường Đại học Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) – một trong những trường nổi tiếng nhất về khoa học máy tính tại Mỹ. Trong thời gian học tập ở Carnegie Mellon, bén duyên với công nghệ robot và AI, ngay từ năm hai Duy Thức đã bắt tay vào nghiên cứu hệ thống đa tác nhân trong trí tuệ nhân tạo – bài toán lập trình đa đối tượng có thể trở thành nền tảng cho các hệ thống robot và xe tự lái. Coi việc học tập, nghiên cứu là niềm vui, chưa học hết đại học, anh đã công bố 3 công trình nghiên cứu và xuất bản 3 bài báo khoa học về AI. Điều này đã gây ấn tượng mạnh với các trường đại học mà anh ứng tuyển cho chương trình Tiến sĩ.
Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm số tuyệt đối 4/4) tại ĐH Carnegie Mellon và đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA) năm 2004, Duy Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy trường hàng đầu của Mỹ: MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley... Anh đã chọn Stanford để theo học. Năm 2012, Vũ Duy Thức từng là tâm điểm của báo chí và giới học thuật trong nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi là một trong những sinh viên Việt trẻ nhất được trao bằng Tiến sĩ ở Đại học Stanford danh giá. Như vậy, chỉ trong vòng 9 năm học một mạch thẳng từ bậc cử nhân lên Tiến sĩ, ở tuổi 28, chàng trai này đã ghi tên mình vào bảng đồng danh dự ở Đại học Carnegie Mellon; đồng thời cho ra đời 10 công trình nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo thế giới và trở thành Tiến sĩ người Việt trẻ nhất ĐH Stanford.
Bách chiến bách thắng trong khởi nghiệp
Với đây nhất, với sản phẩm rô bốt OhmniLabs chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày ra mắt đã khiến nhiều kênh truyền thông một lần chú ý tới cái tên Vũ Duy Thức. Thực tế, trước đó, anh đã từng sáng lập hàng loạt công ty khác nhau. Một trong những startup mà anh hoạt động thời còn học Tiến sỹ là Katango - ứng dụng trí tuệ nhân tạo phân tích các mối quan hệ của người dùng trên mạng xã hội từng nhận đầu tư 5 triệu đô la Mỹ từ quỹ Kleiner Perkins. Cuối năm 2011, sau khi Google mua lại Katango, anh Thức và các cộng sự gia nhập nhóm phát triển Google+ và Android tại đây.
Hoàn thành việc học, Duy Thức bỏ qua cơ hội việc làm ở các công ty lớn để tham gia sáng lập startup Tappy cùng nữ cofounder Trương Thanh Thủy. Tappy là ứng dụng chat cho phép những người đang ở cùng một địa điểm (đặc biệt là các sự kiện) có thể kết nối, trao đổi với nhau tức thì. Sau hơn 1 năm hoạt động, Tappy đã được hãng game Weeby.co mua lại với mức giá không công khai nhưng được tiết lộ cũng ở mức hàng triệu đô la Mỹ.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp sẵn có, anh tiếp tục đầu tư và làm cố vấn cho các startup tiềm năng đi sau như Umbala (ứng dụng chat video tự hủy hiện rất phổ biến tại châu Âu), ELSA (app học phát âm tiếng Anh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo) và startup robot KnightScope.
Riêng với Công ty OhmniLabs, Duy Thức vừa góp phần nâng tầm giá trị tinh thần của sản phẩm công nghệ (cụ thể là robot Ohmni), vừa giải được bài toán cho những trăn trở cá nhân.
Sinh sống tại Mỹ thời gian dài, Duy Thức nhận ra rất nhiều người cao tuổi bên Mỹ phải sống một mình (hiện có 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ, khoảng 70% trong số này sống một mình). Những người này luôn cần sự giúp đỡ trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, Duy Thức cũng như sáng lập viên có nhu cầu tương tác thường xuyên với các thành viên gia đình tại quê hương. Các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, Skype, FaceTime... tuy tốt nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, không đáp ứng tốt nhu cầu giao tiếp và săn sóc cha mẹ già ở xa của họ. Vậy là rô bốt Ohmni ra đời.
Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa... Do sự linh hoạt này mà robot có thể cùng đi dạo, xem phim... với người già mà cả hai bên đều không bị gián đoạn việc riêng. Robot Ohmni được chế tạo với thao tác sử dụng đơn giản để ngay cả người không rành về công nghệ vẫn có thể sử dụng dễ dàng. Sản phẩm sau khi được đưa ra thử nghiệm sáu tháng trước đã thu về những phản hồi rất tích cực từ giới truyền thông Mỹ lẫn người dùng.
Trong tương lai gần, Duy Thức mong muốn sẽ bổ sung một số chức năng như khám bệnh từ xa, đo nhịp tim, nhiệt độ..., hoặc giúp người già dọn dẹp, di chuyển các vật dụng trong nhà. Anh cũng mong muốn sớm đưa sản phẩm này về Việt Nam, nhất là robot với chức năng tích hợp khám bệnh từ xa, để bà con vùng sâu, vùng xa không còn chịu những thiệt thòi về y tế dù bác sĩ, điều kiện y tế không bằng thành thị.
Theo New York Times (tháng 1/2017), một số nhà công nghệ học cho rằng điều họ đánh giá cao nhất là khía cạnh xã hội mà những công nghệ như phát minh robot Ohmni của Công ty OhmniLabs (do tiến sĩ Thức đồng sáng lập) mang lại.
Tam trụ của Thức
Từng chia sẻ với báo chí rằng thành công và hạnh phúc đối với anh chính là việc tạo ra giá trị cho nhiều người, Duy Thức chia cuộc sống theo tam trụ: Nghiên cứu, kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Cả ba đều là những lĩnh vực “khó nhằn” nhưng anh vẫn luôn muốn dung hòa tất cả. Vì thế, Duy Thức đã bắt đầu khởi nghiệp ngay từ khi còn đang học Tiến sĩ. Trong khi khởi nghiệp với vô vàn khó khăn, anh đã sớm tìm cách đóng góp cho cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Duy Thức thừa nhận mình may mắn khi được ở trong môi trường phát triển thuận lợi để có được thành công hiện tại. Vì vậy, anh rất muốn đáp đền cuộc đời. Năm 2012, anh quay về Việt Nam với mục tiêu chính là hỗ trợ giới trẻ Việt. Duy Thức đã cùng Văn Vũ - cũng là CEO startup ELSA - thành lập nên Vietseeds Foundation - quỹ học bổng chuyên hỗ trợ tiền học và một phần sinh hoạt phí cho sinh viên khó khăn. Tính đến nay, sau 5 năm hoạt động dưới sự điều hành của các nhà sáng lập và một đội ngũ tại Việt Nam, Vietseeds đã trao hàng trăm suất học bổng chắp cánh cho các bạn trẻ tiềm năng. Hầu hết các sinh viên nhận hỗ trợ đều có kết quả học tập tốt, nhiều bạn thậm chí còn đứng đầu khoa, giành được các giải thưởng quốc tế hay học bổng đi du học nước ngoài.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Duy Thức cho biết trong tương lai, anh cũng muốn mở thêm trụ sở OhmniLabs tại Việt Nam, tuyển dụng kỹ sư trong nước nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đây rất có thể sẽ là cơ hội tốt cho các sinh viên IT yêu thích robot và trí tuệ nhân tạo của nước nhà.
(còn nữa)