Các biện pháp sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy nổ
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về nguyên nhân các vụ cháy, nổ trên toàn quốc trong số các vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 70%. Như vậy có thể thấy được rằng nguyên nhân chính do người dân còn chưa có nhận thức đủ tốt trong việc đảm bảo an toàn điện cũng như PCCC.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chập cháy điện như: Quá tải hệ thống điện khi sử dụng dây dẫn có tiết diện không phù hợp; không lắp đặt thiết bị bảo vệ; Mối nối, điểm tiếp xúc kém dẫn đến sự cố chạm chập gây sự cố cháy nổ;… Trên thực tế, không phải lúc nào người dân cũng nhớ tắt nguồn thiết bị điện để đảm bảo an toàn điện, cũng như an toàn phòng chống cháy nổ.
Đôi khi, nguyên nhân có thể đến từ cả động vật trong nhà hay các loài bò sát. Ví dụ như một trường hợp cụ thể sau: Vào rạng sáng 19/2/2024 qua camera ghi lại, con chuột vô tình chạy qua bàn bếp của gia đình anh Trọng Kiên (Hà Nội) đã kích hoạt bếp từ, khói đen nghi ngút suýt gây cháy nhà. Theo anh Trọng Kiên chia sẻ: “Khoảng 4h45 cùng ngày, một con chuột chạy lướt qua khu vực bếp đã chạm vào nút khởi động bếp từ. Khi quay lại, con chuột một lần nữa vô tình chạm vào bếp, kích hoạt chức năng đun nấu. Chỉ trong 30 phút, nồi thức ăn trên bếp bị quá nhiệt, khói mù mịt bốc lên các tầng. Gần 5h30, con gái tôi thức dậy chuẩn bị đi học đã phát hiện sự việc, kịp thời tắt bếp, xử lý chiếc nồi”.
Anh Kiên cho biết gia đình đã quên ngắt nguồn điện hoặc bật chế độ bảo vệ an toàn sau khi sử dụng bếp từ. Sau sự việc, anh đã lắp công tắc thông minh tự động ngắt nguồn điện cho gia đình.
Như vậy có thể thấy, trong quá trình sử dụng thiết bị điện, chúng ta cần phải lưu ý đến quy trình an toàn điện. Thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm và các thiết bị sử dụng điện trong nhà. Đặc biệt, phải ngắt hẳn nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện.
Một trong những nguyên tắc an toàn điện cần thực hiện đó là lắp đặt thiết bị bảo vệ đúng cách. Lắp cầu dao hay aptomat ở đầu dây cấp điện chính và các nhánh rẽ ở các tầng nhà để ngắt dòng điện khi có chạm chập, hoặc quá tải, ngăn ngừa cháy nổ do điện nhất là dịp nắng nóng cao điểm sắp tới.
Trong trường hợp các thiết bị, đồ dùng điện, dây dẫn điện bị hư hỏng thì người dân cần phải thay thế hoặc sửa chữa mới được tiếp tục sử dụng.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong gia đình, vị trí đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm điện phải là nơi cao ráo, đảm bảo thuận tiện khi sử dụng. Đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước cần lưu ý đặt cao hơn nền và sàn nhà ít nhất 1,4 mét.
Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ do sự cố hệ thống, thiết bị điện, ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ của người dân vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Do vậy, mỗi người cần chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức, loại trừ các sơ xuất bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh hàng ngày để không xảy ra những vụ việc cháy nổ đáng tiếc.
Chủ động các biện pháp tiết kiệm điện ngày hè TTTĐ - Để góp phần ứng phó với tình hình tiêu thụ điện tăng cao mùa hè năm 2024, cùng với những giải pháp mang ... |
EVNHANOI gác cho nguồn điện thông suốt dịp lễ 30/4 - 1/5 TTTĐ - Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã lập và chuẩn bị các phương án đảm bảo điện an toàn, liên ... |
Doanh nghiệp "vào cuộc" cùng tiết kiệm điện mùa nắng nóng TTTĐ - Để góp phần ứng phó với tình hình tiêu thụ điện tăng cao mùa hè năm 2024, nhiều khách hàng là doanh nghiệp ... |
Tiết kiệm điện tối ưu khi ngày nắng về TTTĐ - Khách hàng nên lưu tâm cách sử dụng để vừa tiết kiệm điện tối ưu, vừa tránh hóa đơn tiền điện tăng vọt ... |