Càng nhiều người tham gia quỹ bảo hiểm thất nghiệp, càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro
Người lao động tìm hiểu thông tin về bảo hiểm thất nghiệp |
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, PGS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ: Nhìn chung, có thể thấy rằng việc triển khai Nghị quyết 116 rất nhanh, đồng bộ và hiệu quả. Tính đến thời điểm này của tháng 11/2021, đã có gần 11,65 triệu người lao động đã nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 116, trong đó có khoảng gần 11 triệu người đang tham gia trực tiếp, khoảng 700 nghìn người đang dừng và bảo lưu đóng bảo hiểm.
Đây là vấn đề rất tích cực trong việc hỗ trợ người lao động khi họ đang gặp khó khăn trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ dài hơi hơn, thì chúng ta cần cân nhắc vấn đề liên quan tổng thể toàn bộ thị trường lao động.
Có thể nói rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam tuân thủ rất chặt chẽ Công ước quốc tế mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố trước đây. Ở vị thế là một quốc gia thu nhập trung bình, có thể nói Việt Nam thực hiện rất tốt Công ước ILO. Về việc thực hiện, về tổng thể, người lao động đã được đào tạo nghề thay đổi kỹ năng để có thể tìm kiếm việc làm mới trong thời gian thất nghiệp.
Các nghiên cứu trong thời gian gần đây chỉ ra rằng chúng ta đang đào tạo những gì chúng ta có, chứ chưa đào tạo những gì thị trường cần. Và vì lý do đó, người lao động vẫn được hỗ trợ đào tạo nhưng họ vẫn khó tìm việc vì lý do kỹ năng vẫn chưa đáp ứng được phía cầu của lao động. Đây là một điều rất quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Vấn đề tiếp theo là kết nối thị trường lao động như thế nào. Covid-19 đã làm bộc lộ những mặt yếu của thị trường lao động. Trong một số khảo sát lao động việc làm hằng, khi trả lời câu hỏi “Anh chị tìm kiếm việc làm từ đâu?”, thì câu trả lời phổ biến là: “Từ bạn bè, người thân và gia đình”.
Trên thực tế, tỷ lệ người lao động tìm kiếm việc làm qua các trung tâm giới thiệu việc làm chính thức đã tăng trong thời gian vừa qua nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Việc tìm kiếm việc làm qua người thân, gia đình, bạn bè là những chỗ tin tưởng nhưng không phải lúc nào cũng tìm được công ty tốt có đầy đủ các chế độ. Việc các công ty tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bảo đảm cho người lao động về lâu dài. Thảm họa Covid-19 cho thấy, những người đã tham gia bảo hiểm xã hội là những người đã được bù đắp một phần những đóng góp của mình trước đây thông qua bảo hiểm thất nghiệp hoặc các hỗ trợ khác.
PGS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế quốc dân |
Theo các chuyên gia, chỉ có phục hồi kinh tế thì chúng ta mới có thể giảm số người thất nghiệp, giảm chi tiêu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và gia tăng số người đóng bảo hiểm thất nghiệp để bù đắp cho Quỹ.
Nghị quyết 116 cho phép doanh nghiệp giảm đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% tới hết tháng 9/2022 là rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhìn dài hơi hơn, việc khuyến khích người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một điều cực kỳ quan trọng. Càng nhiều người tham gia quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chúng ta càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro với những người mất việc làm, làm tấm nệm để đỡ họ chống lại những cú sốc tương tự như cú sốc do Covid-19 gây ra thời gian qua.
Điều quan trọng hơn, từ việc những người được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 116 đã có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu và được hỗ trợ rất nhanh chóng, có thể thấy, khi ta số hóa công tác quản lý lao động thì chúng ta xử lý giải quyết chính sách rất nhanh, giảm chi phí rà soát. Đây cũng là yếu tố giúp chúng ta sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ cho người lao động.
Ông Lê Tiến Trường (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam) chia sẻ: “Từ tháng 3/2020, khi bắt đầu có dịch bệnh ở Việt Nam, chúng tôi đã xác định đối với ngành dệt may chỉ có 2 tài sản rất quan trọng cho phát triển bền vững: nguồn lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mất 2 tài sản này sẽ rất khó phục hồi và phát triển trở lại khi dịch bệnh qua đi. Cho nên, ngay từ đầu chính sách chỉ đạo xuyên suốt của Tập đoàn và các đơn vị là chăm lo và giữ gìn lực lượng lao động của mình, nhất là người lao động tay nghề cao.
Về các gói hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ đã nhanh hơn, thực tế hơn. Trong năm 2020, với Nghị quyết 42 thì doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt may hoàn toàn không nhận được gì. Do Nghị quyết dựa vào năng lực sản suất, nhưng doanh nghiệp không ngừng sản xuất ngày nào, thậm chí còn tổ chức sản xuất khẩu trang để xuất khẩu với số lượng rất lớn. Việc dừng sản xuất gây thiệt hại rất nhiều so với việc tổ chức sản xuất những mặt hàng rẻ, tuy không có lợi nhuận nhưng có thể bù đắp được một phần tiền lương chi trả cho người lao động. Nhưng sang đến năm 2021, với Nghị quyết 68, Tập đoàn Dệt may đã nhận được khoảng 140 tỷ đồng, chiếm 60% hồ sơ đề nghị. Riêng Quyết định 116 về hỗ trợ tiền cho những người có đóng bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp đã nhận được 340 tỷ đồng/345 tỷ đồng, tương đương giải quyết 95% hồ sơ đề xuất. Việc này được triển khai nhanh và rất dễ do chỉ cần căn cứ theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Việc miễn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp cũng hỗ trợ chúng tôi tiết kiệm 17 tỷ đồng trong 2 tháng thực hiện, và sẽ lên đến 100 tỷ đồng trong 12 tháng. Năm nay, các doanh nghiệp đã tiếp cận được các gói hỗ trợ này nhanh và hiệu quả hơn, cách thức triển khai hợp lý hơn, giảm chi phí và thời gian để xét duyệt. Việc xây dựng cơ chế dựa trên bảo hiểm thất nghiệp giúp giải ngân dễ dàng hơn, bảo đảm công bằng khi chỉ có người lao động của những doanh nghiệp có đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp được nhận hỗ trợ. Việc này cũng tạo một môi trường mới khi người lao động có thể hiểu hơn khi lựa chọn đơn vị sử dụng lao động có tham gia đầy đủ các chính sách của Nhà nước, để khi gặp các rủi ro thì họ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ hơn”.
|