Cảnh giác với các loại thực phẩm chức năng giảm cân
Công dụng “ảo” quảng cáo sai sự thật
Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp của người dân ngày một nhiều, nhất là những dịp cuối năm, nhiều loại thực phẩm chức năng đã lợi dụng lòng tin người tiêu dùng bằng những quảng cáo phóng đại, không đúng sự thật.
Lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều sản phẩm được quảng cáo dưới dạng thực phẩm chức năng có tác dụng giảm cân nhưng công ty phân phối không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Sản phẩm Giấm Táo hỗ trợ giảm béo chứa chất cấm bị Cục An toàn thực phẩm thu hồi. |
Quý I/2024, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 1 cơ sở với 6 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 11 tỷ đồng; chuyển cơ quan công an 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả.
Theo Cục An toàn thực phẩm, đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) hơn 11 tỷ đồng với 6 hành vi vi phạm.
Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển đã sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus" (số lô: 02.2022, NSX: 11/5/2022, HSD: 10/5/2025); "Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo" (số lô: 01.2022, NSX: 26/2/2022, HSD: 25/2/2025); "Nio Slim hỗ trợ giảm béo" (trên nhãn không ghi số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng); "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" (số lô: 03.2022, NSX: 12/5/2022, HSD: 11/5/2025) mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP).
Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo"; "Nio Slim hỗ trợ giảm béo"; "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Sản xuất thực phẩm "Kumiko slim" mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Không đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm.
Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus".
Sử dụng chất cấm (Sildenafil, Sibutramine) trong sản xuất, chế biến thực phẩm, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus", sản phẩm "Stony bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý"; thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo", có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng như ở trên.
Lạm dụng thực phẩm chức năng coi chừng “tiền mất, tật mang”
Dịp cuối năm cũng là thời điểm nhiều chị em có nhu cầu làm đẹp, tăng giảm cân theo ý muốn. Ngoài ra, nhiều người lại có tâm lý cuối năm phải tham gia các bữa tiệc, ăn uống nhiều sẽ khiến cân nặng “mất kiểm soát” nên muốn tìm mua các loại thực phẩm chức năng giảm cân để uống “giữ dáng”.
Sản phẩm Detox Táo giảm cân có chứa chất cấm, có hại cho sức khỏe. |
Đánh vào tâm lý của nhiều chị em phụ nữ ít vận động, thích ăn các món ăn chứa nhiều dầu mỡ nhưng lại có nhu cầu giảm cân “siêu tốc”, giảm mỡ bụng “siêu nhanh”, các công ty đã tung ra thị trường thực phẩm chức năng giảm cân kèm với đó là những lời quảng cáo “thổi phồng” như “giảm cân trong 7 ngày”, “giảm cân siêu tốc” dưới dạng “chiết xuất từ thiên nhiên, thảo dược thiên nhiên”; “đốt cháy mỡ thừa một cách hiệu quả, đặc biệt là ở bụng”…
Những loại thực phẩm chức năng này được quảng cáo trên các trang mạng xã hội, mạng internet để dễ giao dịch mua bán tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Cùng với đó, nhiều sản phẩm còn được xuất hiện với hàng loạt người nổi từ MC, diễn viên, ca sỹ đều sử dụng, kèm theo đó là hình ảnh của đội ngũ bác sĩ kiểm chứng về các công dụng “ảo”.
Trong khi đó, hàng loạt các vụ việc biến chứng do thực phẩm chức năng giảm cân không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí mất mạng, thương tật vĩnh viễn do dùng thuốc tăng cân, giảm cân đã xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) khẳng định: "Đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Cục ATTP từng nhiều lần có công văn gửi giám đốc, trưởng đơn vị có cán bộ y tế quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ để chấn chỉnh, quản lý cán bộ".
Cũng theo Cục ATTP, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều vi phạm quy định.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong lúc các cơ quan chức năng xác minh vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm.